Gia tăng tỷ lệ béo phì tại Việt Nam

Đặng Thu Hằng
Việt Nam hiện đang đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng là thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng. Béo phì được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài.

Nếu như trước đây, tỷ lệ thừa cân béo phì ở mức thấp thì hiện nay lại gia tăng nhanh chóng. Đáng nói, béo phì là "cửa ngõ" dẫn đến nhiều bệnh lý mạn tính nguy hiểm gây khó khăn trong việc điều trị.

Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn tăng hơn chục lần trong vòng 22 năm. Còn tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ học đường, đặc biệt ở lứa tuổi từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm. Khu vực thành thị cao gấp nhiều lần so với nông thôn và miền núi. Năm 2010 tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn không hợp lý, thói quen lười vận động.

beo-phi-29-16670341631041582875909-1678640290.jpeg
Tỷ lệ trẻ béo phì ở Việt Nam có xu hướng tăng cao. (Ảnh: SKĐS)

Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TP. HCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Béo phì được Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài, bởi béo phì gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Phụ huynh thường có tâm lý trẻ phải "có da có thịt", "lo con gầy, không lo con béo" nên khi thấy trẻ gặp vấn đề về sức khỏe mới sốt sắng chạy chữa. Cũng chỉ vì nghĩ béo là khỏe nên một bệnh nhân 20 tuổi đã tăng 30kg chỉ trong 2 tháng do ăn uống không kiểm soát. Cân nặng vượt mốc 100 kg, hiện bệnh nhân cùng lúc phải điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Thừa cân béo phì là nỗi "ám ảnh" không của riêng ai. Hiện ngày càng nhiều người mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… do béo phì gây ra.

Chuyên gia khuyến cáo hãy ăn nhiều rau xanh luộc, các loại trái cây ít ngọt, chọn gạo lứt, khoai lang... thay vì ăn nhiều gạo trắng. Tập thể dục vài tiếng một ngày cũng không thể giảm nếu không kiểm soát ăn uống. Cần đảm bảo, năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao. Bên cạnh đó, duy trì vận động từ 30-60 phút mỗi ngày...Nếu cân nặng thay đổi đột ngột cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

T.H.