Thái Lan cảnh báo tình trạng béo phì tăng cao ở trẻ em

Đặng Thu Hằng
Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế Thái Lan cho thấy gần 10% trẻ em nước này đang bị béo phì. Nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu phụ huynh và thầy cô của các em không cải thiện được nhận thức về dinh dưỡng cho thế hệ trẻ.

Trong buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu ngày 5/3, Tiến sĩ Suwannachai Wattanayingcharoenchai - Cục trưởng Cục Y tế Thái Lan khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tạo cho con em mình một môi trường dinh dưỡng lành mạnh hơn vì nghiên cứu cho thấy giới trẻ Thái Lan hiện đang tiếp xúc quá nhiều loại thực phẩm có hàm lượng chất béo, đường và muối quá cao.

Theo Trung tâm Dữ liệu y tế của Bộ Y tế Thái Lan, có tới 9,1% số trẻ từ 0-5 tuổi bị xem là thừa cân so với tuổi các em. Tỷ lệ này tăng lên tới 13,4% trong nhóm các em từ 6-14 tuổi và 13% đối với nhóm các em từ 15-18 tuổi.

treem-6257-1678122686.jpeg
Một lớp học ở thủ đô Bangkok. (Ảnh: Bangkok Post)

Trước đó, Cục Y tế cũng công bố một báo cáo khác về chế độ ăn của trẻ em Thái Lan cho thấy, khoảng 33% trẻ em nước này tiêu thụ đồ ăn nhẹ và đồ uống ngọt mỗi ngày. Trong đó gần 30% số trẻ em được phép chọn thực phẩm hoàn toàn dựa trên sở thích của riêng mình.

Từ thực tế trên, Tiến sĩ Suwannachai kêu gọi các bậc phụ huynh Thái Lan cần tạo ra một môi trường dinh dưỡng lành mạnh hơn cho con em mình. Ông nói: “Trẻ em thường đưa ra những lựa chọn sai lầm khi chúng được phép chọn ăn gì. Và các chiến lược tiếp thị của các nhà sản xuất bánh kẹo càng khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Phụ huynh và nhà trường cần dạy các em cách lựa chọn các loại thực phẩm tốt và hậu quả đối với sức khỏe mà một chế độ ăn tồi tệ có thể mang lại”.

Ông khuyến nghị chế độ dinh dưỡng đối với trẻ em phải có một khẩu phần cá ít nhất một lần một tuần, tối đa 3 quả trứng một tuần, cũng như nhiều thực phẩm giàu canxi như cá mòi, đậu và đậu lăng, trong khi đồ ăn ngọt không quá 2 lần một tuần. Ngoài ra, trẻ cần ăn trái cây và rau tươi mỗi ngày cũng như tập thể dục để tăng cường cơ bắp và xương.

Theo Liên đoàn Bệnh béo phì thế giới (WOF) dự báo tỷ lệ béo phì ở trẻ em có thể tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2035.

Thu Hằng