Ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở TP.HCM, chuyên gia y tế nói gì?

Nguyễn Diệp Linh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, ca đậu mùa khỉ đầu tiên xuất hiện là tình huống không bất ngờ.

Sáng 3/10, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết TP ghi nhận ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên. Thông tin về ca mắc đã được báo cáo Bộ Y tế, chờ thông báo chính thức.

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, tình huống này không bất ngờ. Theo bác sĩ Khanh, ca bệnh mới cần được phân tích yếu tố dịch tễ để biết nguy cơ từ đâu, xâm nhập ở mức độ nào.

Từ đó, đánh giá nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, xác định đối tượng nguy cơ.

“Những nội dung trên cần được thông báo rõ ràng đến cộng đồng để giúp người dân hình dung được yếu tố nguy cơ và phải làm gì để phòng ngừa. Tuy nhiên, xét cho cùng, khả năng lây lan ra cộng đồng của bệnh đậu mùa khỉ rất thấp”, ông nói.

article-16647731985121304468014-1664780385.jpg

Hiện nay, Sở Y tế Thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: báo Chính Phủ

Theo bác sĩ Khanh, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia đã ghi nhận bệnh đậu mùa, biện pháp phòng ngừa lây nhiễm với đối tượng MSM (cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) vẫn rất hiệu quả.

“Việc Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ không có gì bất thường", ông nói.

Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng khoa Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, người dân nên bình tĩnh vì bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan.

Bà lý giải, bệnh COVID-19 có đường lây chính là hô hấp nên mức độ lây lan rất cao và dễ. Nhưng với đậu mùa khỉ, người bệnh phải tiếp xúc gần, cọ xát, da có trầy trợt và sang thương, từ đó dịch của nốt đậu mới truyền qua người lành và gây bệnh.

“Điều quan trọng nhất là chúng ta cần tuân thủ theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh đậu mùa khỉ, không nên hoang mang", bác sĩ Vân Anh chia sẻ.

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là phát ban trên da, có thể tự khỏi sau 2-4 tuần nếu hệ miễn dịch tốt và triệu chứng nhẹ.

Khoảng 99% trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên thế giới là ở nam giới và 98% trong số đó liên quan đến nam quan hệ tình dục đồng giới.

Trước đó vào chiều 1/8, Bộ Y tế tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và một số nội dung về điều trị cúm A, trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận hơn 22.000 ca đậu mùa khỉ.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay Bộ Y tế xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch.

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Các bệnh viện chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch; xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh viện đồng thời tổ chức diễn tập phòng chống dịch.

Tình huống 2: Bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Khi ấy, cơ sở y tế tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho bệnh nhân đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh phù hợp với thực tế tại cơ sở. Tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế về công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.

Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng.

Lúc này ngành y tế mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà. Các khoa lâm sàng, đội cấp cứu lưu động... tham gia chống dịch. Người bệnh được phân loại theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển.

Các giai đoạn của bệnh đậu mùa khỉ

Thời gian ủ bệnh: 6 - 13 ngày (dao động từ 5 - 21 ngày): Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát: từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày, với tính chất sau:

- Vị trí: Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

- Tiến triển ban: Tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.

- Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 - 1cm.

- Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Vũ Hạnh (T/h)