Gen Z Đà Nẵng - Hành động xanh vì biển quê hương

Đặng Thu Hằng
“Gen Z Đà Nẵng, Hành động xanh vì biển quê hương” là hoạt động nhằm tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa đại dương được sự bảo trợ của Tổ chức Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam (WWF - Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) với sự tham gia của 10 đội dự án gồm 100 em thiếu nhi đang sinh hoạt, học tập trên địa bàn quận Thanh Khê.

Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm An toàn môi trường và hóa học triển khai cuộc thi “Gen Z Đà Nẵng – Hành động xanh vì biển quê hương”.

“Gen Z Đà Nẵng, Hành động xanh vì biển quê hương” là hoạt động nhằm tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa đại dương được sự bảo trợ của Tổ chức Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam (WWF - Việt Nam), Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) với sự tham gia của 10 đội dự án gồm 100 em thiếu nhi đang sinh hoạt, học tập trên địa bàn quận Thanh Khê.

Các nội dung của hoạt động “Gen Z Đà Nẵng, Hành động xanh vì biển quê hương” năm 2023 được triển khai với 4 giai đoạn chính diễn ra từ 8/9/2023 đến 8/10/2023 gồm: Lập nhóm và tham gia đào tạo; Lên ý tưởng và phát triển dự án; Tham quan thực tế một số dự án môi trường; Trình bày và đánh giá dự án.

133395004451468256-z4703095952255-ff17e99e66da17232b4252aac066e16b-1702889898.jpeg
Các em học sinh đến từ các trường trên địa bàn thành phố đều chuẩn bị kỹ bài thuyết trình, sản phẩm tái chế...kỹ càng  để phần thuyết trình trực quan, sinh động và có sức thuyết phục

Các đội dự án có sự đồng hành của 10 mentors là những chuyên gia, sinh viên có nhiều thành tích, kinh nghiệm trong thực hiện các dự án bảo vệ môi trường Đồng thời, tất cả các em học sinh cũng được trải qua các lớp đào tạo về kỹ năng xây dựng và triển khai dự án, kỹ năng làm việc nhóm, học hỏi các kiến thức về các hoạt động, chương trình, mô hình bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa… Trên cơ sở đó, các đội dự án sẽ tự định hướng, lên ý tưởng và xây dựng, trình bày dự án trước Ban giám khảo. Đặc biệt, trong chương trình, các đội dự án được tham gia một hành trình trải nghiệm thực tế, tham quan các mô hình bảo vệ môi trường tại thành phố Hội An.

Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thảo đánh giá, hoạt động “Thiếu nhi Đà Nẵng với dự án môi trường” là mô hình hoạt động mới sáng tạo, ý nghĩa lần đầu tiên được tổ chức với sự đồng hành của Trung tâm An toàn môi trường và hóa học. Đây sẽ là một hành trình thú vị để các em thanh, thiếu nhi khám phá năng lực bản thân, thể hiện vai trò của thế hệ trẻ trong hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải. Trước mắt, hoạt động được triển khai thí điểm tại quận Thanh Khê và căn cứ trên hiệu quả, giá trị của các dự án, hoạt động sẽ tiếp tục được triển khai với hình thức phù hợp tại các quận, huyện khác. Thành Đoàn Đà Nẵng sẽ vận động nguồn lực để hiện thực hóa những dự án xuất sắc của thanh, thiếu nhi tham gia chương trình trong giai đoạn 2023 - 2025.

Với ý tưởng Gian hàng trao đổi rác nhựa “Trao 1 nhận 1 – Vì sắc xanh đại dương” tại biển Nguyễn Tất Thành và “Trạm xử lý rác thải biển tự động”, đội dự án đến từ Trường THCS Nguyễn Trãi đã giành giải nhất. Giải nhì được trao cho đội dự án đến từ Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, giải ba được trao cho Trường THCS Hoàng Diệu và giải sáng tạo thuộc về đội thi Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm.

tp-gen-z-bao-ve-moi-truong-8-1779-1702889863.jpeg
Dự án của của các em học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi đã xuất sắc đạt giải nhất. 

Em Phan Thị Bảo Kim, Trưởng nhóm dự án Đại dương đen, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, ý tưởng của nhóm xuất phát từ mong muốn khuyến khích bạn bè thu gom và phân loại rác thải.

Bảo Kim chia sẻ thêm, team của em lựa chọn dự án này vì nhận thấy rằng biển Nguyễn Tất Thành nói riêng và các vùng biển, sông suối… tại thành phố Đà Nẵng nói chung đang nhận được khá nhiều sự quan tâm từ giới trẻ, khách du lịch trong và ngoài nước, vì thế bãi biển sẽ là nơi dễ tiếp cận và nhận được nhiều sự đồng hành. Khi bài toán nguồn lực được giải quyết, team đối diện bài toán khác làm sao để nguồn lực mình tiếp cận được quan tâm đến dự án của mình và hưởng ứng tích cực. Gian hàng “Trao 1, nhận 1 - Vì sắc xanh của đại dương” giải quyết được những bài toán trên. Những người tham gia sẽ thu gom rác thải và đến với gian hàng, với mỗi 0,2-2,3kg rác sẽ đổi một chiếc móc khóa và hơn 0,5kg rác sẽ đổi một chiếc túi vải. Đặc biệt, những chiếc móc khóa làm bằng thân con ốc, sò trên bãi biển và túi vải từ quần áo cũ tái chế.

133395004796632642-z4703096015187-8154efed1ed2491685048fd67e2e1017-1702889898.jpeg
Các em học sinh tham gia chương trình sẽ hiểu và nắm được nội dung, biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa.

Ông Bùi Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm An toàn môi trường và hóa học cho biết, nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng nhựa do Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thực hiện năm 2020 cho kết quả: 40% nhóm học sinh, sinh viên ít có hiểu biết về các vấn đề liên quan đến nhựa dùng một lần. Ở những nơi có các phong trào bảo vệ môi trường, biện pháp truyền thông, dự án hoặc có sự tham gia của các tổ chức xã hội tự nguyện thì học sinh tích cực hơn. Chính vì thế, hoạt động lần này hướng tới mục tiêu 100% học sinh tham gia chương trình sẽ hiểu và nắm được nội dung, biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa và quản lý rác tại nguồn. Chương trình hướng tới nâng cao nhận thức học sinh về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, lan tỏa thông điệp tới những người xung quanh.

PV