"Đảo ngọc" Phú Quốc chung tay hành động chống rác thải nhựa

Đặng Thu Hằng
Nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang trong đó có thành phố Phú Quốc đã tham gia nhiều hoạt động, sáng kiến, dự án với mong muốn thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa và tạo du lịch bền vững cho "đảo ngọc" Phú Quốc.  

Phú Quốc là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng, hơn nữa du lịch là ngành kinh tế chủ lực của địa phương và là ngành mũi nhọn của tỉnh Kiên Giang. Chính vì du lịch Phú Quốc đang phát triển rất nóng, nhanh nên vấn đề bảo vệ môi trường, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho sự phát triển bền vững.

Từ năm 2003, trung ương, tỉnh Kiên Giang định hướng mục tiêu xây dựng đảo Phú Quốc phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng trở thành thành phố biển đảo, trở thành khu kinh tế hành chính đặc biệt, trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm du lịch sinh thái, nghi dưỡng giải trí cao cấp, cấp quốc gia và quốc tế, là trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đã kéo theo nhiều vấn đề phức tạp đáng quan tâm trong đó có môi trường, rác thải, nước thải và đặc biệt là rác thải nhựa. Hạn chế về cơ sở hạ tầng quản lý rác, cộng với ý thức trong việc bảo vệ môi trường, xử lý rác của một bộ phận người dân, tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, vứt rác xuống sông, xuống biển còn phổ biến đang làm xấu đi hình ảnh của Phú Quốc, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển cũng như các loài sinh vật biển.

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF - Việt Nam) cho biết, bình quân mỗi năm tại Phú Quốc có hơn 1.000 tấn rác thải nhựa ngoài môi trường. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày trên địa bàn thành phố có khoảng 200 tấn rác thải, trong đó được thu gom được khoảng 180 tấn, còn 20 tấn vương vãi ngoài môi trường.

z4415041251045-132bceeef8fd93aa94e6c5cb8e7ba48f-1702880675.jpeg
Rác thải nhựa tại đã và đang đe dọa môi trường biển Phú Quốc. (Ảnh: Văn Sanh)

Ông Nguyễn Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho biết, ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu; vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân địa phương trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu; trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Chính vì thế, nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang trong đó có thành phố Phú Quốc đã tham gia nhiều hoạt động, sáng kiến, dự án với mong muốn thực hiện mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa và tạo du lịch bền vững cho "đảo ngọc" Phú Quốc.

“UBND thành phố cũng kêu gọi mọi tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân đang sống, làm việc, du lịch tại Phú Quốc hãy đồng hành cùng địa phương ngay trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa; giảm tiêu dùng hướng đến nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần vì một Phú Quốc với môi trường sống hiện đại, xanh như chủ trương của Chính phủ; kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc cho hay.

Năm 2022, với chủ đề Phú Quốc - Hướng tới thành phố đảo không rác thải nhựa, Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã thiết lập 12 bộ thùng rác du lịch và 2 trụ nước uống công cộng, trong đó 4 bộ thùng rác được lắp tại Dinh Cậu và Công viên Bạch Đằng, 8 bộ thùng rác được lắp đặt tại tuyến đường Trần Hưng Đạo, khu phố 7 phường Dương Đông với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF-Việt Nam tài trợ.

Hay gần đây, ngày 2/12, UBND thành phố Phú Quốc phối hợp với Tổ chức WWF-Việt Nam thông qua Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và ra mắt hệ thống camera giám sát hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, ra mắt "sân nổi" thu gom rác trên địa bàn phường Dương Đông.

z4935175679464-26ae5c38791a015659827781c0330c43-4151-1702880864.jpeg
Phú Quốc ra mắt 6 camera giám sát các trường hợp đổ rác thải sai quy định. 

Theo ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, việc ra mắt mô hình camera giám sát hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường nhằm khắc phục triệt để tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định, giảm thiểu các hành vi bỏ rác xuống biển của một số tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản nói riêng và tàu du lịch nói chung trên địa bàn phường Dương Đông.

Với mật độ dân cư và tàu thuyền đông đúc, phường Dương Đông và sông Dương Đông là nguồn phát sinh chất thải lớn. Việc lắp đặt sáu camera giám sát thí điểm ở khu vực gần chợ, sân bay cũ và dọc bờ sông Dương Đông góp phần nâng cao ý thức người dân, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.

Để tạo sự răn đe, địa phương có lắp đặt camera giám sát sẽ phát hiện, xử phạt từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng/lần nếu bỏ rác không đúng chỗ, xử phạt từ 2 triệu đến một tỷ đồng (tùy trường hợp xử lý) với hành vi chôn lấp chất thải rắn trái phép.

Bên cạnh đó thành phố cũng đã vận động 2.000 tàu cá và tàu du lịch mang rác về bờ. Vườn Quốc gia Phú Quốc còn tổ chức hoạt động thu gom rác thải dưới nước ở cả 3 Khu bảo tồn biển và thực hiện 9 đợt giám sát tại các Khu bảo tồn biển và thu gom rác thải nhựa...

12-1702880710.jpg
Ngư dân Phú Quốc tự nguyện nhặt rác thải nhựa trên biển trong khi đánh bắt cá. (Ảnh: Quốc Bình)

Trước đó vào năm 2019, Phú Quốc là thành phố đầu tiên ở Việt Nam và là một trong 3 thành phố ở khu vực Đông Nam Á tham gia sáng kiến Đô thị giảm nhựa với cam kết nỗ lực giảm thiểu 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường vào năm 2025, hướng đến thành phố đảo không rác thải nhựa vào năm 2030.

Xuân Phúc