Đã có thuốc nhắm đích điều trị ung thư máu được bảo hiểm thanh toán

Nguyễn Diệp Linh
Ung thư máu là 1 trong 7 bệnh ung thư có số ca mắc mới cao nhất tại Việt Nam. Tỷ lệ bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư máu điều trị biện pháp mới có thể sống thêm trên 10 năm lên tới 70-80%.

Thông tin với phóng viên bên lề Hội thảo khoa học Huyết học và truyền máu toàn quốc, TS Bạch Quốc Khánh, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, để điều trị ung thư máu đã có các phương pháp điều trị khác nhằm tăng tác dụng chính, đặc hiệu và ít tác dụng phụ ra đời.

Theo TS Bạch Quốc Khánh, trong tương lai 2 phương pháp sử dụng thuốc nhắm đích và tế bào trị liệu sẽ thay thế điều trị hóa chất. Tại Mỹ, một số phác đồ đã hoàn toàn dùng thuốc nhắm đích mà không có hóa trị.

Da co thuoc nham dich dieu tri ung thu mau duoc bao hiem thanh toan hinh anh 1

TS Bạch Quốc Khánh, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thông tin với báo chí về điều trị ung thư máu.

Với thuốc nhắm đích khi đưa vào người sẽ nhắm trúng tế bào ung thư để tiêu diệt tận gốc, không độc như hóa trị liệu, không ảnh hưởng tới các tế bào lành.

"Phương pháp tế bào trị liệu mang lại hy vọng điều trị khỏi ung thư máu. Tỷ lệ bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư máu điều trị biện pháp này có thể sống thêm trên 10 năm lên tới 70-80%. Bên cạnh đó, các thuốc nhắm đích cũng đang được tích cực phát triển", TS Bạch Quốc Khánh cho biết.

Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 6.300 ca ung thư máu mới, riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phát hiện khoảng 1.500 ca gồm cả trẻ em và người lớn. Khoa Điều trị hóa chất của Viện thường xuyên có 250 bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính đang điều trị.

Đến nay, Viện đã triển khai khá tốt biện pháp thuốc nhắm đích, một số thuốc được bảo hiểm thanh toán. Với tế bào trị liệu, Viện đang hợp tác chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ, phát triển liệu pháp truyền cho bệnh nhân tế bào đặc hiệu nhiều hơn, đó là những tế bào lympho có thẩm quyền miễn dịch, có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.

Viện cũng đã ghép tế bào gốc cho gần 600 ca mắc bệnh máu ác tính, trong đó khoảng 400 ca ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài (từ anh em ruột, máu dây rốn hoặc bố mẹ).

Tuy nhiên, theo TS Bạch Quốc Khánh, ghép tế bào gốc không phải là biện pháp chữa khỏi ung thư máu mà là phương pháp giúp người bệnh vượt qua các đợt điều trị hóa chất liều cao, mạnh. Theo đó, hóa trị liệu là phương pháp cơ bản điều trị ung thư. Liều càng cao, mạnh thì càng hy vọng diệt được nhiều tế bào ung thư, kéo dài sự sống. Tuy nhiên, tác dụng chính càng nhiều thì tác dụng phụ càng cao. Ghép tế bào gốc tạo máu giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị liệu.

"Tiên lượng sống của các bệnh nhân ung thư máu tuỳ theo từng mặt bệnh. Nếu chỉ điều trị hóa trị liệu đơn thuần, tỷlệ sống thêm trên 5 năm chỉ 20%, nâng lên 50% với ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài" - TS Bạch Quốc Khánh", TS Bạch Quốc Khánh nói.

Theo báo VOV