PV: Thưa Chủ tịch, Tháng Nhân đạo năm 2023 có chủ đề: “Từ trái tim mỗi chúng ta - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”. Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của Tháng Nhân đạo năm 2023?
Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Chủ đề của Tháng Nhân đạo năm nay đã trao đi thông điệp đầy ý nghĩa. Những hoạt động nhân đạo xuất phát từ trái tim chan chứa tình yêu thương, sự sẻ chia và đồng cảm sâu sắc sẽ đem lại những giá trị tích cực cho mỗi người và cho xã hội. Nhận thức và hành động bằng mệnh lệnh trái tim sẽ hàn gắn vết thương sau đại dịch, gắn kết cộng đồng, lan tỏa, nhân lên những giá trị tốt đẹp của phong trào nhân đạo rộng lớn, thống nhất, toàn cầu.
Tương tự như các năm trước, Tháng Nhân đạo 2023 bắt đầu từ ngày 01/5 đến 31/5/2023, cao điểm từ ngày 08/5 đến ngày 19/5. Đây là hoạt động kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/5/2023) và 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (19/5/1890-19/5/2023). Năm nay cũng là năm đánh dấu 160 năm ra đời Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (1863-2023).
Tháng Nhân đạo 2023 được tổ chức với mục đích tuyên truyền sâu rộng về các giá trị nhân đạo, từng bước thay đổi nhận thức về công tác nhân đạo, thúc đẩy lối ứng xử nhân ái trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, vận động chính sách đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền cho hoạt động Chữ thập đỏ và công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước đối với công tác nhân đạo. Qua đó, đồng loạt triển khai hoạt động vận động nguồn lực, xây dựng quỹ nhằm hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng nhân ái.
Đặc biệt, tại Tháng Nhân đạo 2023, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ chính thức phát động Phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”. Đây là một Phong trào có ý nghĩa hết sức đặc biệt đúng như ý kiến phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X, tại Buổi gặp mặt đại biểu dự Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: “Nếu Phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” là sự đóng góp về mặt đạo đức, tinh thần thì Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” là sự đóng góp thiết thực về mặt vật chất dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn”. Phong trào nhằm khơi dậy, lan tỏa lòng nhân ái, cổ vũ hành động tử tế góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đề cao giá trị nhân đạo trong cộng đồng; thu hút sự hưởng ứng, tham gia của các tập thể, cá nhân, tạo phong trào thi đua làm việc thiện, thúc đẩy Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ hãy là những nhân tố nòng cốt với nhiều sáng kiến và hành động thực tế để Phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” đến với từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng dân cư và từng gia đình; làm sao để mỗi người, mỗi tổ chức bằng điều kiện và khả năng của mình có thể hỗ trợ, kết nối trợ giúp những địa chỉ nhân đạo, tập trung cho ngư dân nghèo, khó khăn, trẻ em nghèo, khuyết tật, xây dựng mái ấm nhân đạo biên cương, trao sinh kế bền vững cho người khó khăn, hỗ trợ bệnh nhân nghèo… ngay tại nơi mình sinh sống, công tác, học tập, hướng sự quan tâm đến những vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, nơi thiên tai, bão lụt, biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra, có thể giúp đỡ vật chất, tinh thần, kiến thức, sức khỏe… Sự chung tay của xã hội sẽ tạo ra hệ sinh thái nhân đạo rộng lớn, kết nối nguồn lực, là điểm tựa, động lực để những người được trợ giúp vươn lên trong cuộc sống, cho cộng đồng thêm gắn kết nghĩa tình, cho xã hội ta càng ấm áp tình người.
PV: Thưa Chủ tịch, trong Tháng Nhân đạo 2023, các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương sẽ tập trung vào các hoạt động nào?
Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Trong Tháng Nhân đạo 2023 sẽ có rất nhiều các hoạt động có ý nghĩa được tổ chức.
Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về các giá trị nhân đạo. Các hoạt động Tháng Nhân đạo được tổ chức rộng khắp trong toàn hệ thống Hội, lồng ghép các hoạt động để tăng hiệu ứng, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân, đảm bảo thiết thực, hướng về cộng đồng.
Trung ương Hội sẽ kết nối, vận động để ký kết chương trình phối hợp, biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác, thỏa thuận tài trợ với các tổ chức, đơn vị đối tác; tổ chức gặp gỡ các đối tác, nhà tài trợ, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo trong nước và quốc tế để xây dựng ý tưởng và vận động nguồn lực; đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, dự án trợ giúp cộng đồng từ nguồn do Trung ương Hội điều phối; xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng của 02 Chương trình trọng điểm “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” và tổ chức vận động nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu của 02 Chương trình trong Tháng Nhân đạo.
Với các tỉnh, thành Hội sẽ phát động đợt cao điểm vận động nguồn lực vì mục tiêu nhân đạo, trong đó tập trung cho các mục tiêu cụ thể, thiết thực, như: Ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả thảm họa động đất, hỗ trợ địa chỉ nhân đạo, xây nhà Chữ thập đỏ, xây dựng công trình nhân đạo, hỗ trợ sinh kế; triển khai chuỗi cao điểm các hoạt động trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong Tháng Nhân đạo, trong đó tập trung các hoạt động hỗ trợ đối tượng của 02 Chương trình trọng điểm “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” và “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”.
Ngoài ra, cũng trong dịp này, một hoạt động rất quan trọng được thực hiện đó là công tác vận động chính sách. Trung ương Hội sẽ tham mưu Ban Dân vận Trung ương ban hành văn bản gửi các tỉnh, Thành ủy đề nghị chỉ đạo thực hiện Kết luận 44 của Ban Bí thư về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới, triển khai Phong trào thi đua “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái”; đề nghị các tỉnh, Thành ủy chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện hỗ trợ ít nhất 01 địa chỉ nhân đạo hoặc triển khai 01 công trình, phần việc nhân đạo trong Tháng Nhân đạo.
Hội cũng phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Hoạt động Chữ thập đỏ và 05 năm thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg, ngày 9/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ trong tình hình mới.
Hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thúc đẩy việc ký kết và ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố giữa Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cấp tỉnh.
Gần đây nhất, thực hiện Kết luận số 44-KL/TW ngày 14/11/2022 của Ban Bí thư về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới, nhằm xây dựng cơ chế phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức liên quan trong công tác nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức hoạt động nhân đạo, từ thiện và an sinh xã hội giai đoạn 2023-2027. Chương trình phối hợp góp phần thúc đẩy các hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp, phát huy hơn nữa vai trò, chức năng, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong phối hợp, tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện và an sinh xã hội, lan tỏa tinh thần nhân ái, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phát triển bền vững, để Hội Chữ thập đỏ thực sự xứng đáng là tổ chức nòng cốt trong hoạt động nhân đạo.
PV: Với những hoạt động nêu trên, Chủ tịch có thể cho biết, Tháng Nhân đạo 2023 hướng tới những kết quả cụ thể nào?
Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Trong Tháng Nhân đạo 2023, Hội đặt mục tiêu phấn đấu toàn Hội vận động nguồn lực đạt 400 tỷ đồng để trợ giúp 100.000 địa chỉ nhân đạo (cá nhân và tập thể). Trong đó: Các cấp Hội vận động, kết nối xây mới, sửa chữa được 63 điểm “Bếp sạch – Cơm ngon” tại các trường mầm non, tiểu học có điều kiện đặc biệt khó khăn, trị giá tối thiểu 150 triệu đồng/điểm (01 điểm/tỉnh, thành Hội); các cấp Hội vận động, kết nối hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 115 nhà Chữ thập đỏ cho ngư dân nghèo, khó khăn; hỗ trợ sinh kế cho 200 hộ ngư dân nghèo, khó khăn (trong đó mỗi tỉnh trong số 23 tỉnh thuộc Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5 căn nhà, mỗi tỉnh trong số 40 tỉnh còn lại hỗ trợ sinh kế cho 5 hộ ngư dân nghèo, khó khăn thuộc địa bàn của Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”).
Ngoài ra, mỗi tỉnh, thành Hội vận động xây dựng Quỹ đạt tối thiểu 100 triệu đồng, khuyến khích các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền thành lập Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Chữ thập đỏ trong cả nước, mong rằng Tháng Nhân đạo 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, tập thể, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để có thể trao cơ hội và sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!