Cha mẹ cần lưu ý phòng ngừa táo bón cho trẻ nhỏ

Lã Thị Thúy Hằng
Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh khác nhau. Táo bón có thể cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài vài tuần, vài tháng, tái phát nhiều đợt. Phần lớn táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng (90 - 95%) do nín đi cầu, chế độ ăn uống thiếu chất xơ, thói quen lười vận động…

Tùy theo lứa tuổi, chế độ ăn uống của trẻ mà số lần đi đại tiện trong ngày và tính chất phân sẽ khác nhau. Số lần đi đại tiện giảm dần theo tuổi, trẻ sẽ đi đại tiện 1 - 2 lần/ngày bắt đầu từ tháng thứ ba. Tuy nhiên, một số trẻ chỉ đi đại tiện 3 lần/tuần dù được nuôi bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe hoàn toàn bình thường.

‎Do vậy, trẻ được xem là táo bón khi số lần đi đại tiện ít hơn bình thường hay dưới 3 lần/tuần, phân cứng chắc, khó khăn hoặc đau đớn khi đại tiện.

Nếu tình trạng táo bón diễn tiến nặng và kéo dài, trẻ có thể gặp khó khăn khi đi tiểu, tiểu lắt nhắt, sa trực tràng, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, biếng ăn, chậm tăng cân hoặc suy dinh dưỡng.

Điều chỉnh chế độ ăn nên ưu tiên hàng đầu khi trẻ bị táo bón.

Cách phòng ngừa táo bón cho trẻ

Để phòng ngừa táo bón cần cho trẻ uống đủ nước, thường được tính là 50ml nước cho mỗi kg cân nặng hàng ngày. Nếu trẻ nặng 10kg thì trẻ cần uống tối thiểu 500ml nước (tương một chai nước lọc) mỗi ngày.

Ngoài ra, trẻ phải ăn đủ chất xơ bằng cách bổ sung ít nhất một muỗng rau cho mỗi bát cháo hay cơm, cho trẻ ăn thêm trái cây như táo, chuối, đu đủ… hàng ngày.

Tập thói quen đi đại tiện cho trẻ bằng cách cho trẻ ngồi đại tiện sau khi ăn khoảng 20 phút. Mỗi lần ngồi khoảng vài phút nhưng không nên quá 5 phút/lần. Có thể cho trẻ uống một cốc nước đầy hay uống thuốc làm mềm phân trước khi ngồi cầu khoảng 30 phút.

Lưu ý tư thế ngồi đại tiện phải đúng cách, nghĩa là trẻ phải ngồi thoải mái, 2 bàn chân trẻ phải hoàn toàn chạm đất (nếu trẻ phải dùng bồn cầu người lớn thì nên kê chân cho trẻ bằng ghế nhựa).

Việc chân trẻ không chạm đất sẽ khiến trẻ không thể đi sạch phân trong ruột, việc ứ phân dần dần sẽ tạo ra u phân gây bón. Việc tập thói quen đi đại tiện phụ thuộc nhiều vào sự kiên nhẫn và quyết tâm của gia đình và bản thân trẻ, thông thường một trẻ sẽ tập được thói quen đi đại tiện vào giờ cố định trong ngày sau khoảng 2 tuần tập nghiêm túc, tuy nhiên, có trẻ cần vài tháng mới tập được thói quen này.

Cho trẻ uống đủ nước hàng ngày để phòng ngừa bệnh táo bón

Trẻ bị táo bón khi nào cần đi thăm khám

Táo bón ở trẻ em thường không gây nguy hiểm và có thể khắc phục dễ dàng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tình trạng này có thể kéo dài hay tái đi tái lại nhiều lần. Đặc biệt, nó có thể còn là dấu hiểu cảnh báo các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng hơn. Tốt nhất nên chủ động đưa trẻ đi thăm khám trong một số trường hợp sau:

- Tình trạng táo bón kéo dài mà việc ăn uống hay chăm sóc tại nhà không thể đáp ứng.

- Trẻ đau bụng quặn thắt, dữ dội.

- Đại tiện có xuất hiện máu đi kèm.

- Hậu môn trẻ sưng tấy, ngứa rát, đau hậu môn dữ dội hơn khi đại tiện.

- Trẻ mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, sốt

Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để xác định hiện trạng. Từ đó đưa ra phương án can thiệp phù hợp nhất.

T.H