Cuối năm là thời điểm nhiều gia đình tổ chức các hoạt động cưới hỏi, giỗ chạp, nhiều đơn vị cơ quan cũng tổ chức liên hoan, tất niên. Trong những dịp này, nhu cầu sử dụng rượu, bia tăng cao, nguy cơ ngộ độc rượu cũng tăng mạnh do sử dụng phải rượu kém chất lượng.
Mới đây, ngày 25/11, 8 người đi hái cà phê tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng. Buổi trưa, 6 người ăn cơm canh có uống rượu, 2 người còn lại ăn cơm canh nhưng không uống rượu.
Sáng hôm sau, 1 người mệt mỏi, khó thở, được người nhà đưa đi cấp cứu và tử vong. Chiều cùng ngày, một người cũng có triệu chứng tương tự, cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.
Làm việc với cơ quan chức năng, nhóm nạn nhân cho biết, rượu được mua từ một lò nấu rượu trên địa bàn. Trong số 8 người ăn cơm, 6 người có uống rượu bị ngộ độc, 2 người không uống rượu chưa có dấu hiệu gì nên cơ quan chức năng nhận định, các bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Chiều 28/11, thêm 4 người có cùng triệu chứng, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cấp cứu.
Một vụ ngộ độc rượu khác xảy ra trước đó, chiều 7/11, sau khi dự đám tang tại ấp Ba Biển, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang), có 14 người nghi ngộ độc rượu methanol phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 5 người được chuyển từ Trung tâm y tế huyện An Biên lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu điều trị. Trong số này, 3 người trong tình trạng nguy kịch, bị tut huyết áp, hôn mê sâu và phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch.
Giám đốc trung tâm y tế huyện An Biên cho biết, về nguồn gốc, rượu phục vụ tại đám tang không chỉ được mua ở địa phương mà còn có rượu được chủ nhà đặt mua của người quen ở huyện khác. Các cơ quan chức năng đã lấy mẫu rượu đưa đi kiểm nghiệm và điều tra xác minh vụ ngộ độc rượu và nguồn gốc số rượu này.
Chiều 9/11, trong 5 bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol nhập viện cấp cứu tại bệnh viện thì có 2 bệnh nhân tử vong.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục trường hợp bị ngộ độc rượu do uống phải rượu không đảm bảo chất lượng xảy ra trong thời gian vừa qua.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững… đến ngộ độc nặng, bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Với những trường hợp ngộ độc methanol, nguyên nhân là do uống phải loại rượu pha cồn công nghiệp, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Ngộ độc rượu có pha Methanol nặng và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộ độc ethanol. Sau một vài giờ uống rượu có methanol, chất này đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các acid gây độc cho các tế bào, đặc biệt các tế bào não, gan và thị giác. Người bệnh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, rối loạn về thị giác. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trên thị trường vẫn bán nhiều loại rượu trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nếu người mua không nhận biết rõ thì dễ mua phải. Thực tế cho thấy, những loại rượu methanol gây ngộ độc rồi các loại rượu pha, chế biến với các chất không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ gây ra ngộ độc, thị trường không quản lý được.
Bên cạnh đó, người uống rượu không có ý thức, bất kỳ loại rượu nào cũng uống, uống không kiểm soát được lượng rượu nên dẫn đến ngộ độc. Càng đến ngày giáp Tết, lượng người tiêu thụ rượu bia càng nhiều, do đó, việc làm rượu giả, rượu kém chất lượng cũng tăng lên, nguy cơ gây ngộ độc rượu từ đó cũng tăng cao.
“Uống rượu nhưng phải đảm bảo an toàn, rượu phải đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc, rượu phải được đăng ký đảm bảo chất lượng thì mới dùng. Người sử dụng không nên uống quá chén vì nếu quá chén sẽ say xỉn, ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt, những người đang có bệnh nền như gan, cao huyết áp… ảnh hưởng đến xã hội, giao thông, tai nạn. Trong các cuộc liên hoan hay lễ, Tết nên uống rượu đảm bảo an toàn chất lượng, không quá chén, đặc biệt, phải kiểm soát được lượng rượu uống, không để xảy ra các trường hợp đáng tiếc như say xỉn, ngộ độc rượu hay mất an toàn khi tham gia giao thông”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cách phân biệt hai loại rượu methanol và ethanol là rượu có pha methanol có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.
“Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, thở nhanh, thở sâu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, trong tình trạng nguy kịch”.
Mỗi năm Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu, nguyên nhân là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá ngưỡng chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol.
Để có một cái Tết an toàn, vui vẻ, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ sau vài tiếng uống rượu, đặc biệt là tình trạng nôn chớ, người dân cần tới ngay các cơ sở y tế để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo VOV