Hà Nội yêu cầu sử dụng hồ trong công viên, khu đô thị để giảm ngập

Nguyễn Diệp Linh
UBND Hà Nội được yêu cầu có giải pháp khai thác, sử dụng hồ trong công viên, khu đô thị mới tham gia thoát nước, giúp giảm thiểu ngập úng tức thời.

Ngập úng là vấn đề nan giải của Hà Nội nhiều năm nay. Ảnh: Tuấn Anh.

Sáng 10/12, HĐND Hà Nội thông qua dự thảo nghị quyết phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10.

Theo đó, các đại biểu HĐND đã tập trung chất vấn, tái chất vấn với 3 nhóm vấn đề trọng tâm gồm: Tái chất vấn kết quả thực hiện cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại hai kỳ họp trước; chất vấn về công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và nhóm vấn đề thoát nước trên địa bàn.

Với vấn đề thoát nước, UBND Hà Nội được giao chỉ đạo các cấp rà soát, thống kê hệ thống hồ điều hòa trên địa bàn, bao gồm các hồ chưa kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị trong khu đô thị mới để có giải pháp liên thông giữa các hồ điều hòa.

Đồng thời, thành phố cần có giải pháp khai thác, sử dụng các hồ trong công viên, khu đô thị mới tham gia điều hòa, thoát nước đô thị và điều tiết lượng nước mưa chảy vào mạng lưới thu gom giúp giảm thiểu tình trạng ngập úng tức thời.

ngap ung Ha Noi anh 1

Chiều 9/12, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh có phiên giải trình về thoát nước và xử lý nước thải. Ảnh: Xuân Hải.

Thời gian tới, Hà Nội cũng tập trung giải quyết việc kết nối thoát nước giữa các khu đô thị, hệ thống chung của khu vực và thành phố.

UBND Hà Nội được yêu cầu rà soát quy hoạch thoát nước thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt; đồng thời quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, nghiên cứu, thành phố đề xuất điều chỉnh, bổ sung về quy hoạch thoát nước đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.

Về xử lý nước thải làng nghề, UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các bên liên quan rà soát, lập và trình kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển; đồng thời di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi làng nghề.

Đối với làng nghề đã có khu, cụm và điểm công nghiệp để di dời, Hà Nội cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện di dời, không để tồn tại cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu dân cư dẫn đến tâm lý chây ỳ của các chủ cơ sở kinh doanh.

Theo Zing