Ai chịu trách nhiệm khi các thành phố lớn, hiện đại bị ngập lụt?

Đặng Thu Hằng
Sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh. Nhiều thành phố lớn được đầu tư hiện đại bất ngờ bị ngập lụt, nguyên nhân do đâu và trách nhiệm thuộc về ai, đại biểu Hoàng Đức Thắng đặt câu hỏi.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 27/10, ông Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi, sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn. Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này?

Theo ông Thắng, khi thiết kế kỹ thuật công trình hạ tầng kinh tế đô thị, các đơn vị ít chú ý đến hạ tầng thoát nước, thoát lũ. Hoặc vì lợi ích trước mắt, các cơ quan bỏ qua những hệ lụy có thể xảy đến trong dài hạn. Mỗi con đường mở ra như những con đê chắn nước, ngăn thoát lũ, mỗi khu dân cư, công trình đô thị mọc lên luôn rình rập sự quá tải của hệ thống thoát nước.

dai-bieu-hoang-duc-thang-noi-ve-ngap-lut-1666853720-1666860458.jpeg
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Quốc hội sáng 27/10. (Ảnh: Media Quốc hội)

Theo ông, Việt Nam có chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 với mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng dường như sự đầu tư và quyết tâm chưa tương xứng với sức tàn phá của thiên nhiên ngày càng khốc liệt, khó lường.

Từ sự quan tâm vấn đề nêu trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ hơn tình hình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, nhất là tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu để khẩn trương tổ chức thực hiện đồng bộ bằng tổng thể giải pháp căn cơ, chiến lược, mạnh mẽ, bài bản và quyết liệt hơn.

Trước mắt, Chính phủ cần tập trung nguồn lực giải quyết bài toán về chống ngập lụt tại các đô thị; xói lở, sạt ở miền núi, ven biển, ven sông. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương nhất thiết phải đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng với biến đổi khí hậu; dự báo tầm nhìn dài hạn, giải pháp khả thi nhất và xem đây chính là động lực cho sự tăng trưởng.

Bà Lê Đào An Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) trăn trở khi thiệt hại do thiên tai gây ra trong 9 tháng đầu năm nay hơn 6.600 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước. Thiên tai liên tục do biến đổi khí hậu, khai thác rừng phòng hộ quá mức, trong khi rừng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ thực vật, dòng chảy đất, giảm tác động của lũ lụt.

"Phần đông chúng ta hiểu rừng là trảng cây chứ chưa quan tâm đến hệ sinh thái, điều đó lý giải vì sao có rừng nhưng vẫn xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở ngày càng nhiều và khốc liệt hơn", bà Xuân nói, cho rằng cách trồng rừng độc canh, khai thác sớm như hiện nay không tạo được liên kết sinh thái, làm mất khả năng giữ đất, nước.

4249-1666855567-1666860465.jpeg
Đại biểu Lê Đào An Xuân. (Ảnh: Media Quốc hội)

Nguồn tài chính huy động để thích ứng, giảm thiểu thiên tai còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Khu vực tư nhân chưa sẵn sàng và thiếu cơ chế tham gia. Doanh nghiệp thiếu nguồn lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đầu tư công nghệ sạch.

Nữ đại biểu đề nghị các ngành, địa phương cần coi rừng là lá chắn biến đổi khí hậu. Nhà nước cần thay đổi ngay định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng; bổ sung chính sách trồng rừng gỗ lớn; hạn chế khai thác sớm, trắng rừng để cây đủ sức giữ đất, nước.

Đánh giá về thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện nước ta có nhiều địa phương đang đối mặt với tình hình lũ lụt lớn và lũ kết hợp với triều cường là vấn đề hết sức phức tạp.

Bên cạnh các giải pháp mang tính vĩ mô, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai.

271020221029-to-ai-vang-soc-trang-16668543037061913331655-1666860671.jpeg
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Media Quốc hội)

Đồng thời sớm kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp theo dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, tăng cường chỉ đạo công tác rà soát, cập nhật kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai; tăng cường chuyển đổi số, hỗ trợ đầu tư việc ứng dụng công nghệ cho các địa phương còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở bốn vùng lũ lụt trong công tác nắm tình hình, làm tốt công tác dự báo và chỉ đạo trực tuyến để kịp thời ứng phó với thiên tai.

Trước đó, ngày 14/10, mưa lớn suốt 6 giờ do hoàn lưu trước bão Sơn Ca khiến cả thành phố Đà Nẵng ngập chưa từng có (0,5-1,5 m), một số nơi ở quận Liên Chiểu ngập gần 2 m. Tình trạng ngập lụt cũng xảy ra tại thành phố Hà Nội, TP HCM khi mưa lớn kéo dài.

T.H. (t/h)