Những loại thuốc tiềm năng điều trị đậu mùa khỉ

Nguyễn Diệp Linh
Hiện chưa có liệu pháp điều trị được chứng minh an toàn đối với người nhiễm virus đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, một số loại thuốc kháng virus có thể có hiệu quả trong việc điều trị bệnh.

Bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ bị phát ban trên tay. Ảnh: BBC

Bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ gây ra, một thành viên của chi Orthopox virus thuộc họ Poxviridae, có liên quan đến virus đậu mùa trước đây. Virus này xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi nhưng chỉ trong thời gian ngắn, bệnh đã lây lan đến các quốc gia châu Âu, châu Á khác và gần đây là ca mắc bệnh đầu tiên tại Việt Nam.

2 giai đoạn của bệnh đậu mùa khỉ

Tác nhân gây bệnh chính là virus moneypox, thuộc chi Orthopox virus, họ Poxviridae. Hiện nay có 2 chủng riêng biệt của bệnh đậu mùa khỉ là West Africa (biến chủng Tây phi) và Central Africa. Trong đó, biến chủng Tây Phi thường gây bệnh ở mức độ nhẹ hơn và ít dẫn đến tử vong hơn so với chủng còn lại.

Trước đây, bệnh xảy ra ở người chủ yếu chỉ giới hạn trong các trường hợp lẻ tẻ và không thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2022, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ xảy ra ở người được báo cáo thường xuyên hơn ở nhiều quốc gia không có dịch bệnh lưu hành. Tình trạng lây truyền virus từ người sang người liên tục được ghi nhận và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ năm 2022 là tình trạng khẩn cấp trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Một người nhiễm phải virus đậu mùa khỉ có thể trải qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là khoảng thời gian ủ bệnh. Giai đoạn này có thể kéo dài 1-2 tuần và không có triệu chứng. Giai đoạn sau đó sẽ bắt đầu có các triệu chứng không rõ ràng như sốt, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, ớn lạnh hay yếu người.

Điểm phân biệt quan trọng giữa đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa là sưng các hạch bạch huyết. Sau giai đoạn này, người bệnh có thể nổi các mẩn đỏ khắp người. Ban đầu xuất hiện các ban mẩn đỏ, sau đó sưng phồng lên, bọng nước, có mủ, nằm sâu, lõm xuống, đóng vảy và rụng theo thời gian.

Khi người bệnh gãi chỗ mẩn hoặc tác động khác khiến bọng nước bị vỡ, bong tróc và có thể lây nhiễm cho người khác bởi chất dịch này. Bệnh kéo dài khoảng 2-4 tuần, mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào hệ miễn dịch của từng người và từng chủng virus nhiễm phải.

Bệnh có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần và lâu hay dùng chung đồ với người bị nhiễm. Các con đường lây truyền bao gồm thông qua giọt bắn ở đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch mủ từ vết ban đỏ hoặc chạm vào các đồ vật có chứa dịch mủ, đặc biệt là quần áo và đồ vải.

Bên cạnh đó, người mẹ bị bệnh đậu mùa khỉ có thể truyền sang thai nhi qua nhau thai. Gần đây, WHO cũng công bố các ca nhiễm bệnh đậu mùa khi vào năm nay xảy ra do lây truyền khi quan hệ tình dục hoặc quan hệ thân mật. Người tiếp xúc hoặc thông qua vết xước, vết cắn hay ăn phải các động vật bị nhiễm bệnh cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các loại thuốc tiềm năng

Phần lớn người mắc đậu mùa khỉ, do biến chủng Tây Phi, biểu hiện triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi bệnh. Nếu cần thiết, người bệnh có thể điều trị hỗ trợ bằng việc bù dịch, thuốc giảm đau như paracetamol và chăm sóc vết thương bị viêm nhiễm.

Người bệnh xuất hiện biến chứng hay có khả năng chuyển bệnh nặng (tổn thương xuất huyết, tổn thương hợp nhất, tổn thương niêm mạc hoặc ở bộ phận sinh dục), những trường hợp như trẻ em dưới 8 tuổi, người bệnh mang thai hoặc cho con bú, người bệnh có tình trạng da đang tróc vảy hoặc suy giảm miễn dịch... việc điều trị có thể bằng thuốc kháng virus.

Hiện chưa có liệu pháp điều trị được chứng minh an toàn đối với người bệnh nhiễm virus đậu mùa khỉ.

Những loại thuốc có tiềm năng nhất:

Tecovirimat: Một thuốc kháng virus đối với orthopoxvirus gây bệnh đậu mùa (variola/ smallpox), tuy nhiên cũng được FDA Mỹ và EMA của Liên minh châu Âu phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Thuốc có dạng bào chế đường uống và đường tiêm tĩnh mạch để điều trị giai đoạn đầu của bệnh. Hiện tại, thuốc này được sử dụng tại Mỹ để điều trị đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát dịch năm 2022.

Benh dau mua khi anh 1

Tecovirimat là loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: AFP.

Thuốc kháng virus như cidofovir hoặc brincidofovir: Bincidofovir là một thuốc kháng virus đường uống, được sản xất bởi Công ty Chimerix. Tuy nhiên, dữ liệu về hiệu quả của thuốc chống lại monkeypox vẫn còn cần được điều tra thêm. Globulin miễn dịch đậu mùa (vaccinia) tiêm tĩnh mạch (VIGIV): Hiện chưa có số liệu cụ thể cho hiệu quả điều trị của VIGIV đối với đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nhân viên y tế có thể sử dụng cho những trường hợp nặng.

Một số thuốc đang được phát triển để trị bệnh:

Bằng phương pháp thay đổi mục đích dùng thuốc, các nhà nghiên cứu người Nhật sàng lọc trên một nhóm gồm 132 thuốc có mặt trên thị thường gồm thuốc chống virus, chống nấm và kháng ký sinh trùng. Dùng mô hình tế bào, nhóm nghiên cứu đã tìm ra được 3 thuốc có tác dụng diệt virus đậu mùa khỉ trong phòng thí nghiệm:

- Atovaquone: Thuốc kháng sinh được dùng để ngừa và trị nhiễm khuẩn cơ hội do Pneumocystis jiroveci thường gây viêm phổi ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

- Molnupiravir: Một thuốc kháng virus SARS-CoV-2 do Merck phát triển.

- Mefloquine: Thuốc kháng sốt rét rất quen thuộc. Mefloquine có cơ chế ức chế virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào tế bào. Trong khi đó, atovaquone và molnupiravir tác động nhiều hơn vào quá trình sau khi virus xâm nhập.

Thử nghiệm cũng cho thấy atovaquone kết hợp tecovirimat làm tăng tác dụng trị liệu của tecovirimat.

Lưu ý, kết quả thử nghiệm của 3 thuốc trên vẫn còn trong giai đoạn phòng thí nghiệm và cần nhiều thử nghiệm lâm sàng thành công trước khi đưa vào sử dụng chính thức.

Vaccine nào đang được sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ?

Hiện nay, chúng ta chỉ có vaccine ACAM2000 và Jynneos được cấp phép tại Mỹ để phòng ngừa đậu mùa.

Vaccine phòng đậu mùa Jynneos, được FDA Mỹ cấp phép năm 2019, thường được dùng để chủng ngừa bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Theo dữ liệu thu thập được từ châu Phi, vaccine phòng đậu mùa có hiệu quả trên 85% trong việc ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Vaccine có khả năng giảm nhẹ mức độ của bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ nhưng không chắc chắn cung cấp khả năng miễn dịch trọn đời.

ACAM2000 là lựa chọn thay thế cho Jynneos. Chúng được khuyến cáo tiêm một liều sử dụng kim tiêm chuyên dụng. Sau khi tiêm ACAM2000, người được tiêm được xem là có vaccine chống lại đậu mùa khỉ trong 28 ngày. ACAM2000 chứa virus sống Vaccinia virus (gây bệnh đậu mùa), có thể lây cho người khác. Vì cùng họ với virus gây bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox và smallpox), vaccine này giúp chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Sau khi tiêm ACAM2000 có thể gây đau sưng tấy chỗ tiêm và cần mất vài tuần mới lành. Người được tiêm cần chăm sóc kỹ vết thương và không để virus vaccinia trong đó lây lan cho người khác. Hiện nay, chúng ta chưa có đủ dữ liệu để ước lượng hiệu quả phần trăm của vaccine ACAM2000 với bệnh đậu mùa khỉ.

Bài viết do thạc sĩ, dược sĩ Võ Khôi Nguyên, Giảng viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM); dược sĩ Vũ Bảo Trang và Đặng Đức Trọng, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, cung cấp thông tin.

Theo Zing News