Yên Bái vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất sau mưa lũ

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Chỉ trong chớp mắt, nước lũ đã dâng cao cả mét, chảy siết. Người dân tỉnh Yên Bái chưa kịp hoàn hồn sau trận lũ lịch sử cách đây hơn 1 tuần, hiện đang phải đối diện với vô vàn khó khăn.

Theo đó, do đợt mưa lũ kéo dài trên diện rộng từ ngày 19 đến ngày 31/7, trên địa bàn Yên Bái xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở một số địa phương gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, cùng với đó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về trượt lở đất đá. 

Sau trận lũ kinh hoàng, toàn bộ huyện Văn Chấn giờ chỉ toàn là đá và củi khô. Từ trên cao nhìn xuống, tất cả những nơi mà cơn lũ đi qua đều đã tan hoang, tiêu điều, có những căn nhà bị đất đá vùi lấp hoặc đã bị cuốn trôi hoàn toàn, nền nhà giờ đã trở thành lòng suối.

Người dân ở đây cho biết, đây là trận lũ bất ngờ đổ ập xuống gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều con đường dẫn vào các xã bị chia cắt, cô lập. Đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang được các lực lượng chức năng tích cực triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đi lại vào các xã thuộc huyện Văn Chấn vẫn vô cùng khó khăn do khối lượng đất đá bồi lắng quá lớn.

Đến ngày hôm nay, ngày 4/8, mặc dù lượng mưa giảm nhưng các tuyến đường giao thông đi các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ vẫn có nguy cơ sạt lở cao.

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Yên Bái, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 35 người chết, mất tích và bị thương; hơn 1600 hộ dân bị ảnh hưởng, đã di rời và nằm trong diện phải di rời khẩn cấp, hàng trăm tuyến đường, cầu cống, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ bị sạt lở; ước tính tổng thiệt hại khoảng 270 tỷ đồng.

Hiện tại, nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Yên Bái là địa phương đã được lắp đặt hệ thống đo mưa cảnh báo sớm ở một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, cắm biển cảnh báo ở các vị trí nguy hiểm.

Tuyết Nga