Xót xa một thôn có hàng chục người khuyết tật

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Nhiều người dân ở thôn Sơn Phú , xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra lo lắng, vì nhiều năm nay, số người bị khuyết tật, câm điếc, ung thư… ở thôn này, đặc biệt là trẻ em liên tục tăng.

Đến thôn Sơn Phú , xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) trong một chiều nắng nóng gay gắt của tháng 6, cái bỏng rát của mùa hè vẫn không làm nhòe đi không khí ảm đảm, u buồn của vùng quê nghèo nơi đây.

Người khuyết tật dường như đã trở thành một hình ảnh quá quen thuộc với người dân thôn Sơn Phú. Số người khuyết tật ở đây cứ năm sau lại tăng hơn năm trước và “di truyền” từ thế hệ này sang thế hệ khác, có những gia đình thậm chí có tới 2-3 người bị khuyết tật, nó dần dần trở thành nỗi ám ảnh cho người dân nơi đây.

Trong số đó có hoàn cảnh đáng thương như gia đình ông Trần Văn Liệu (74 tuổi) và bà Dương Thị Mai (70 tuổi) sinh được 5 người con thì có tận 3 đứa bị câm điếc bẩm sinh, trong đó nặng nhất là chị Trần Thị Xuân (sinh 1973), chị vừa bị câm, vừa mắc bệnh tâm thần, thường xuyên la hét, chạy nhảy lung tung khiến gia đình phải nhốt một chỗ. 

khuyet-tat-1
Chị Trần Thị Xuân (SN 1973) vừa bị câm, vừa bị bệnh tâm thần.

Bà Mai nghẹn ngào kể: “Thời mang thai cháu Xuân, chiến tranh ác liệt lắm, bụng mang dạ chửa nhưng tôi vẫn đi góp gạo cho chiến trường. Lấy ông Liệu sinh được 5 người con thì 3 đứa bị bệnh, đã vậy ông nhà tôi cũng ốm đau mấy năm nay rồi, mọi nỗi lo đều đè trên vai thằng con trai út, khổ lắm cô ạ”.

“Hai vợ chồng cũng có thời gian phục vụ chiến tranh nhưng nay cũng không có chế độ gì cả, cũng trình hồ sơ, giám định nhiều nơi nhưng đến nay vẫn không có kết quả”, bà Mai phân trần.

khuyet-tat
Võ Đình Thanh (5 tuổi) từ khi sinh ra đã bị tàn tật và nằm 1 chỗ.

Sát nhà bà Mai là gia đình anh Võ Đình Toàn và chị Năng Thị Nhiên cũng sinh được hai đứa con trai thì một đứa là Võ Đình Thanh (5 tuổi) từ khi sinh ra đã bị tàn tật và nằm một chỗ. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng.

Ông Nguyễn Đình Tuế, trưởng thôn Sơn Phú cho biết: “Thôn Sơn Phú có tỷ lệ người bị câm, điếc, tàn tật, tâm thần, ung thư… cao nhất trong xã. Hơn 600 nhân khẩu mà có tới 22 người bị khuyết tật nặng được hưởng chế độ, còn nhiều người bị khuyết tật nhẹ. Người dân lo lắng nên bỏ làng đi rất nhiều. Cứ đà này thì ruộng đồng của Sơn Phú bỏ không ra đó chẳng có người mà cày, cấy... Mấy năm gần đây, làng quê vốn đã thưa thớt dân cư, thì nay càng thêm tiêu điều”.

Ngoài hàng chục trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh thì thôn Sơn Phú có thêm ba trường hợp bị tâm thần nặng là chị Nguyễn Thị Thủy, Võ Thị Loan và anh La Văn Sơn. Cứ hễ trái gió trở trời, những con người này lại la hét, đập phá đồ đạc trong nhà.

Bà La Thị Quyết - chị gái anh La Văn Sơn tâm sự: “Cậu Sơn thời đó đi học Đại học Vinh rồi, nhưng chiến tranh ác liệt, năm 1982 cậu rời giảng đường đi bộ đội vào chiến trường miền Nam nhưng đến năm 1985 tự nhiên cậu mắc bệnh tâm thần nên đành xuất ngũ và về nhà. Mặc dù gia đình đã đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh không khỏi mà ngày càng nặng thêm”. 

khuyet-tat-2
Bà Mai chỉ nơi ngày xưa là kho thuốc súng

Ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Theo người dân trong xã thì nguyên nhân gây nên các loại bệnh ở thôn Sơn Phú rất có thể là do nguồn nước bị nhiễm từ kho thuốc súng nằm trên địa bàn có từ thời kỳ chống Mỹ vào những năm từ 1969 đến 1972. Vị trí của kho thuốc súng chỉ cách chỗ người dân sinh sống với bán kính chưa đầy 100m, trong lúc đó hầu như mọi sinh hoạt của bà con chỉ biết dựa nguồn nước giếng khơi. Tuy nhiên hiện tại, chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều đó”.

“Để xác định vì sao ở thôn Phú Sơn lại có nhiều người bị mắc bệnh như vậy đề nghị Sở TN&MT cũng như các cơ quan có liên quan về kiểm tra nguồn nước sử dụng có đạt tiêu chuẩn hay không" - ông Diệu đề nghị.

Ông Diệu cho biết thêm, hiện tại chính quyền địa phương cũng rất lo lắng và quan tâm tới vấn đề trong xã có nhiều người khuyết tật. Xã đã chi ra nhiều khoản hỗ trợ, thăm hỏi, động viên họ hòa nhập với cộng đồng. Về lâu dài chính quyền địa phương đang cố gắng tìm những trường học, cơ sở dạy người khuyết tật để giúp đỡ họ, đặc biệt là các cháu đang ít tuổi.

Rời thôn Sơn Phú, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho hàng chục mảnh đời bất hạnh khác vẫn đang ngày đêm vật lộn với bệnh tật, hoàn cảnh đều vô cùng đáng thương. Ngày mai lại tới, không biết những số phận ấy sẽ ra sao?

Hải Yến - Thanh Hà