Vụ nữ tiếp viên hàng không bị xe Mercedes tông: Đề nghị làm rõ người giúp bị cáo tẩu tán tài sản

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Đó là đề nghị của Hội Bảo trợ quyền trẻ em Việt Nam trong văn bản gửi Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hồ Chí Minh liên quan đến vụ tài xế Mercedes gây tai nạn năm 2020.

Liên quan đến vụ tài xế Mercedes Nguyễn Trần Hoàng Phong (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) gây tai nạn vào sáng 30/1/2020 khiến nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường thương tật 79% và tài xế xe ôm công nghệ tử vong, Hội Bảo trợ quyền trẻ em Việt Nam vừa có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét hành vi chuyển nhượng tài sản duy nhất nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường, cũng như những người có liên quan đến hành vi tẩu tán tài sản của ông Nguyễn Trần Hoàng Phong.

bich-huong_ctff
Bà Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79% sau vụ tai nạn

Theo Văn bản của Hội, nhận được thông tin từ bà Nguyễn Thị Bích Hường (31 tuổi) hiện trú tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh là bị hại trong vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong.

Tháng 12/2020, bị cáo Phong đã bị Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận xử sơ thẩm, phạt 7 năm 6 tháng tù về tội danh “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và yêu cầu bồi thường cho bà Hường hơn 1,4 tỉ đồng.

Căn cứ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trường hợp này phải kê biên tài sản của bị cáo để đảm bảo bồi thường thiệt hại dân sự. Tuy nhiên trong thời gian bị tạm giam, bị cáo Phong đã chuyển nhượng căn hộ đang đứng tên cho mẹ nên không còn tài sản nào khác để thực hiện trách nhiệm với bà Hường.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, hành vi vi phạm của bị cáo Phong đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà Hường và con trai. Tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra, cháu bé mới 11 tháng tuổi, chưa cai sưa mẹ. Mặc dù cháu bé được bà ngoại chăm sóc nhưng do bà Hường phải tiếp nhận trị liệu bằng nhiều loại thuốc kháng sinh và nằm liệt giường nên cháu bé không được đảm bảo về dinh dưỡng, bị buộc phải cai sữa và ít khi được gặp mẹ.

Bà Hường hiện là mẹ đơn thân và là lao động kiếm thu nhập chính trong gia đình. Kể từ khi sự việc xảy ra đến nay đã hơn 10 tháng, bị cáo Phong và mẹ đã đền bù cây đổ và xe máy bị nổ do tai nạn nhưng không có bất cứ lời xin lỗi hay khoản tiền bồi thường nào cho bà Hường.

"Hiện tại bà Hường đã cạn kiệt về kinh tế do liên tục phải trị liệu và nuôi con nhỏ. Bà Hường bị đa chấn thương với tỉ lệ thương tật 79%, trong đó tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 75% khiến bà không thể tiếp tục thực hiện các công việc lao động bình thường. Việc phải chờ bị cáo Phong mãn hạn tù rồi đi làm trả tiền bồi thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của gia đình bà Hường và khả năng kinh tế nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện của con trai bà", văn bản của Hội nêu.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh xem xét hành vi chuyển nhượng tài sản duy nhất nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong, hủy hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của bị cáo và tiến hành các thủ tục kê biên tài sản để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự cho bà Hường nhằm đảm bảo về khả năng kinh tế để thực hiện quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện của cháu bé.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đề nghị Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan đến hành vi tẩu tán tài sản của ông Nguyễn Trần Hoàng Phong.

Quốc Bình