Vĩnh Phúc là tỉnh ôm trọn ba miền sinh thái phong phú miền núi, trung du và đồng bằng; cảnh quan hấp dẫn với dãy Tam Đảo, các hồ Đại Lải, Bò Lạc, Vân Trục, đầm Vạc, Vườn Quốc gia Tam Đảo; cùng nhiều di tích, lịch sử đặc sắc như danh thắng Tây Thiên. Với lợi thế đó, thời gian qua, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, không ngừng thu hút đầu tư mạnh mẽ.
Tính riêng tháng 5/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 247,7 tỷ đồng, tăng 213,8% so với tháng trước. Trong số đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 20,6 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 220,7 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 6,3 tỷ đồng.
Riêng khu du lịch Tam Đảo đã đón trên 10.200 lượt người với gần 3.420 lượt khách lưu trú. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tính chung trong 5 tháng năm 2020, lượng khách đến khu du lịch này chỉ đạt gần 75.000 lượt, giảm 62% so với cùng kỳ; doanh thu khoảng 26 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Sau dịch Covid-19, du lịch Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác bị ảnh hưởng rất nặng nề. Giải pháp nào để kích cầu và phát triển du lịch Vĩnh Phúc sau khi đại dịch Covid-19 đã được khống chế; làm sao thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Phúc; định vị sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc...? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang khẳng định tại buổi tọa đàm "Giải pháp kích cầu, phát triển du lịch Vĩnh Phúc năm 2020" hôm 25/6, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quyết tâm phấn đấu thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, phát triển du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch của tỉnh hồi phục giai đoạn hậu Covid - 19 và phát triển bền vững trong thời gian tới.
"Tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn được liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, nhất là các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; tăng cường quảng bá du lịch và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, các tour liên kết du lịch song song với triển khai các giải pháp kích cầu phát triển du lịch; tạo ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn thu hút du khách đến Vĩnh Phúc", ông Giang khẳng định.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện xúc tiến du lịch gắn với xây dựng tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19; chương trình kích cầu du lịch nội địa, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch với mức ưu đãi giảm giá từ 30-50% các dịch vụ; xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch.
Đồng thời, Sở khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chỉnh trang cơ sở vật chất, củng cố lực lượng lao động và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, giảm giá nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, sẽ tăng thêm các dịch vụ, tiện ích cũng như các tiêu chí du lịch an toàn cho du khách.
Để góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến Vĩnh Phúc an toàn, thân thiện. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới; tăng cường kết nối điểm đến, chuỗi cung ứng dịch vụ của các địa phương thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng, giá hợp lý.