Tại phiên họp đầu tiên trong ngày, Văn phòng SEAGF đã thông qua 05 nội dung thảo luận và đều nhận được sự đồng thuận của đại diện Ủy ban Olympic quốc gia khu vực Đông Nam Á gồm: Thông qua Biên bản Hội nghị diễn ra vào tháng 11 tại Philippines; Thông qua các báo cáo của Văn phòng SEAGF tại Thái Lan; Thông qua báo cáo của các Ban Thể thao và Luật, Ban Y tế và Ban Phụ nữ và Thể thao; Thông qua những nội dung bổ sung, sửa đổi Điêu lệ của SEAGF và Thông qua số lượng các môn trong chương trình thi đấu của Đại hội mà nước chủ nhà SEA Games 31 đề xuất. Những ý kiến đề xuất đưa hơn 20 môn thể thao vào chương trình thi đấu của SEA Games 31, nước chủ nhà ghi nhận để đệ trình lên Hội đồng điều hành SEAGF và có câu trả lời trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ về việc bổ sung môn thể thao mới Võ Cổ truyền (Traditional Martial Art) vào Hiến chương SEAGF, Trưởng Ban điều hành SEAGF, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang cho biết: môn Võ Cổ truyền đã được Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Olympic quốc tế và được 53 quốc gia ủng hộ thôn qua, tuy nhiên để đưa môn thể thao này vào Hiến chương của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á thì việc đồng thuận của các quốc gia thành viên là vô cùng quan trọng và mang tính chất quyết định. Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang nhấn mạnh việc đưa môn Võ Cổ truyền vào Hiến chương của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (không phải Chương trình thi đấu của SEA Games 31) là vì sự phát triển lâu dài của môn thể thao này trong khu vực.
Cũng tại buổi làm việc, Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang khẳng định Việt Nam sẽ không cắt giảm bất cứ nội dung nào của các môn Olympic nhằm đưa thể thao Việt Nam cũng như các quốc gia khác hướng tới sân chơi lớn Olympic.
Liên quan tới các môn thể thao mà các quốc gia thành viên đề xuất đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 31, Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang cho biết, với vai trò là nước chủ nhà của SEA Games, chúng tôi cần đảm bảo các yêu cầu về địa điểm tổ chức cũng như Liên đoàn thể thao cho môn đó, chính vì vậy với một số môn như môn Hockey, hockey dưới nước… Việt Nam chưa có Liên đoàn cũng như hạ tầng cơ sở để tổ chức. Bất cứ nước chủ nhà nào cũng mong muốn các quốc gia đều cảm thấy thoái mái nhất tại kỳ SEA Games mà mình tổ chức, chính vì vậy Việt Nam hy vọng có được sự thông cảm từ các quốc gia thành viên trong việc xem xét, thảo luận đưa ra những môn thể thao trong chương trình thi đấu của SEA Games.
Kết thúc phiên làm việc, Giáo sư Hoàng Vĩnh Giang vui mừng tuyên bố năm nội dung thảo luận đưa ra trong chương trình đều nhận được sự đồng thuận của đại diện các Ủy ban Olympic quốc gia khu vực Đông Nam Á. Mặc dù có những ý tưởng không giống nhau tuy nhiên cuộc họp vẫn đi đến sự thống nhất cuối cùng là sự ủng hộ nước chủ nhà Việt Nam tổ chức một kỳ SEA Games 31 tuyệt vời vào vào năm 2021.
Còn tại phiên họp quan trọng nhất là phiên họp của BCH Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Ủy Ban Olympic Việt Nam, Trưởng BTC SEA Games khẳng định: Các quốc gia Đông Nam Á hiện đang trong tình trạng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, nhiều môn thể thao phải tạm hoãn hoặc hủy trong đó có ASEAN Para Games 11 tại Philippines. Năm 2021, Việt Nam vinh dự nhận được quyền đăng cai SEA Games 31, mặc dù khó khăn nhưng được sự chỉ đạo của chính phủ, nước chủ nhà đã khắc phục mọi khó khăn để theo kịp tiến độ đặt ra, hướng tới mục tiêu tổ chức một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á thành công.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Mặc dù không thể gặp gỡ để trao đổi trực tiếp một số nội dung liên quan tới SEA Games 31, tuy nhiên với sự hỗ trợ của công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện hy vọng các đại biểu dự họp sẽ thảo luận và thông qua được những vấn đề quan trọng của Đại hội.
Cũng theo người đứng đầu ngành VHTTDL, tại Hội nghị lần này, các nước trao đổi, thảo luận thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành SEAGF, Ban Thể thao và Luật, Ban Y học, Ban Phụ nữ và Thể thao, Văn phòng SEAGF; thảo luận về công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam; dự kiến số lượng môn thể thao trong chương trình thi đấu SEA Games 31; xem xét, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á; báo cáo kết quả tổ chức SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines; báo cáo tiến độ chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 tại Campuchia.
“Nước chủ nhà chúng tôi mong muốn các thành viên Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng tích cực, trao đổi, thống nhất nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 để góp phần làm nên một kỳ Đại hội thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Các thành viên Hội đồng Thể thao Đông Nam Á cũng thảo luận về một số nội dung sửa đổi trong Luật và Hiến chương của Hội đồng, vai trò của Văn phòng Hội đồng (hiện đặt tại Thái Lan) và một số vấn đề khác liên quan tới hoạt động của Hội đồng. Một số nội dung sẽ tiếp tục được thảo luận tại kỳ họp lần 2 của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 11 năm 2020.