Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

Đặng Thu Hằng
Với quan điểm tiên phong trong khu vực giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.”

Ô nhiễm nhựa đại dương là một vấn đề toàn cầu, xuyên biên giới và liên ngành, đòi hỏi phải có sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Chính vì lý do đấy tại Nairobi (Kenya), ngày 02/3/2022, Việt Nam cùng 175 quốc gia đã thông qua một Nghị quyết lịch sử tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) về chấm dứt ô nhiễm nhựa và xây dựng một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế vào năm 2024.

Để Nghị quyết được triển khai một cách toàn diện, tại thời điểm này, Việt Nam đang chuẩn bị tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam, tiên phong trong khu vực về ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

o-nhiem-rac-thai-nhua-dai-duong-la-mot-van-de-cap-bach-anh-daily-mail-1670824172.jpeg
Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là một vấn đề cấp bách. (Ảnh: Daily Mail)

Đề án được ban hành nhằm mục đích đảm bảo đầy đủ điều kiện về nguồn lực, thông tin dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, đảm bảo quyền lợi, lợi ích và năng lực quốc gia trong phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Đề án đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: Chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đàm phán, tổng hợp thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án đàm phán, bố trí đầy đủ nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác chuẩn bị đàm phán; Thiết lập được cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận; Tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia đối với khu vực và quốc tế trong các nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Thỏa thuận.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chính:

Một là, xây dựng năng lực chuẩn bị đàm phán: Đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ về luật pháp quốc tế, kỹ năng đàm phán, các quy trình, thủ tục khi tham gia đàm phán; Phân tích, xây dựng các kịch bản đàm phán, đánh giá những thuận lợi, thách thức khi Việt Nam tham gia vào tiến trình đàm phán.

Hai là, thu thập thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu: Rà soát, tổng hợp, đánh giá các thỏa thuận quốc tế có liên quan đến rác thải nhựa mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thực thi; các quy định pháp luật trong nước có liên quan đến quản lý nhựa, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương; Điều tra, đánh giá và xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương; Theo dõi, thu thập thông tin, dữ liệu tại các diễn đàn quốc tế, tổng hợp các chương trình, dự án, các sáng kiến cấp khu vực, toàn cầu liên quan đến rác thải nhựa đại dương.

Ba là, bố trí nguồn lực về tài chính, phương tiện cho công tác chuẩn bị đàm phán: Bố trí đầy đủ nguồn lực tài chính cho các hoạt động xây dựng, thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng Thỏa thuận.

Bốn là, thiết lập cơ chế điều phối: Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương để triển khai Đề án và các công tác chuẩn bị đàm phán, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng.

Năm là, huy động hỗ trợ trong nước và quốc tế: Huy động nguồn lực quốc tế đẩy mạnh nghiên cứu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia trong khu vực, trên thế giới về ô nhiễm nhựa đại dương; tăng cường năng lực cho các cán bộ có liên quan đến công tác đàm phán; Xây dựng và tổ chức mạng lưới đối tác giữa khu vực chính phủ, tư nhân, các tổ chức liên quan đến nhựa và rác thải nhựa, hỗ trợ hiệu quả cho công tác chuẩn bị đàm phán.

Sáu là, tăng cường vai trò, trách nhiệm quốc gia: Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương cùng tham gia chủ trì, phối hợp trong quá trình chuẩn bị cho đàm phán; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, giữa các cấp, ngành, giữa ngoại giao song phương, đa phương; Chủ động, tích cực tham gia xây dựng, đàm phán song phương, đa phương, với những đóng góp cụ thể của Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền lợi và phù hợp điều kiện của Việt Nam; đăng cai tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương, khẳng định trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.

viet-nam-nam-trong-top-5-quoc-gia-phai-chiu-trach-nhiem-cho-khoang-13-trieu-tan-rac-nhua-thai-ra-dai-duong-moi-nam-anh-afp-1670824171.jpeg
Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm. (Ảnh: AFP)

Ông Hoàng Xuân Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việc Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận có ý nghĩa to lớn bởi nó đã thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc gia, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết vấn đề/thách thức toàn cầu, đáp ứng yêu cầu và xu thế hội nhập với quốc tế về vấn đề này. Đây cũng là cơ hội để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đồng thời là cơ hội để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sạch thân thiện môi trường, các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nhựa, tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế”.

Bên cạnh việc chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương Việt Nam còn chủ động tham gia trong tiến trình hình thành Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) và thể hiện sự ủng hộ của mình bằng việc cử đại diện tham gia Nhóm công tác đặc biệt về rác thải nhựa đại dương của Hội đồng môi trường của Liên hợp quốc (AHEG).

Tại Phiên họp AHEG lần thứ 3, đại diện của Việt Nam đã thể hiện quan điểm:“Chúng tôi nhận thấy vấn đề rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề đáng quan tâm. Các thách thức về rác thải đại dương và vi nhựa là vấn đề toàn cầu và đòi hỏi các giải pháp và sáng kiến toàn cầu phù hợp với các ưu tiên vùng và quốc gia”.

Việt Nam cũng đã cùng với Cộng hoà Liên bang Đức, Ecuador và Ghana đồng chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương với mục tiêu xây dựng động lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã được tạo ra từ rất nhiều cuộc thảo luận quốc tế trước đó và đưa ra các đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này tại UNEA-5.2. Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị là 76 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhằm xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.

Thu Hằng