Việc tầm soát ung thư là rất tốt nhưng cần sự phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân

Lã Thị Thúy hằng
Không chỉ “trăm hoa đua nở” các gói tầm soát ung thư, kèm đó là hàng loạt các quảng cáo quá sự thật, thậm chí là sai lệch như "chỉ một xét nghiệm ra nhiều bệnh", "tầm soát ung thư đa điểm, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài chỉ với một gói khám"... đã khiến không ít người dân tiền mất, tật mang.

Với khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp mỗi năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam thuộc top cao trên thế giới, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là phát hiện muộn khi việc tầm soát không được chú ý.

Quyết định ở phát hiện bệnh sớm hay muộn

Thống kê từ Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), từ năm 2018 và 2022, Việt Nam đã tăng 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) với tỉ lệ mắc mới và tăng 6 bậc xếp thứ 50/185 quốc gia với tỉ lệ tử vong do ung thư. Ước tính 1 năm có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư - gấp 18 lần số tử vong vì tai nạn giao thông.

Chỉ tính riêng số liệu tại Bệnh viện K, tỉ lệ bệnh nhân đến chữa bệnh năm sau luôn cao hơn năm trước 20 - 30%.

Nói về nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do ung thư tại nước ta ở mức rất cao, GS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Mô hình bệnh tật của mỗi nước khác nhau, nếu như Australia, tỷ lệ mắc ung thư vú, tiền liệt tuyến cao nhất, còn Hàn Quốc là dạ dày, giáp trạng, đại tràng. Những loại ung thư này có tiên lượng tốt hơn, tỷ lệ sống cao, đặc biệt ung thư giáp trạng gần như chữa khỏi hoàn toàn. Trong khi đó, ở Việt Nam, 3 loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày. Những bệnh lý này thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao hơn. Đặc biệt, người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ.

Trong khi đó, GS Mai Hồng Bàng - Giám đốc BV trung ương Quân đội 108 cho biết, tỉ lệ bệnh nhân được phẫu thuật cắt gan là rất thấp, chỉ khoảng 30%. Còn lại 70% không còn khả năng phẫu thuật do bệnh nhân đến quá muộn.

Một số liệu đáng chú ý, theo thống kê của Bệnh viện K, có khoảng 25% bệnh nhân phát hiện ra ung thư khi đang nhập viện cấp cứu tại bệnh viện vì một triệu chứng nào đó. Hầu hết các bệnh nhân này có cơ hội sống thấp hơn so với các bệnh nhân khác, vì khi đó tình trạng bệnh đã trở nên quá nặng.

Theo BS Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng Hóa sinh (Trung tâm Xét nghiệm Medlatec): Trong cuộc chiến chống ung thư, thắng hay thua nằm ở hai chữ “sớm - muộn”. Chủ động tầm soát ung thư sớm là cực kỳ quan trọng, bởi tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu mang lại hiệu quả điều trị cao, giúp kéo dài thời gian sống và thậm chí có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Nhận biết ung thư ở giai đoạn sớm giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn, giảm thiểu thời gian điều trị, từ đó, chi phí điều trị đỡ tốn kém hơn rất nhiều khi phát hiện ở giai đoạn muộn và phải sử dụng đến các phương pháp điều trị phức tạp kéo dài hàng năm trời.

a10-1691123114.jpg

Người dân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ đúng chuyên ngành để được thăm khám và điều trị hiệu quả.

Lạc vào “ma trận” các thể loại tầm soát ung thư

Chờ kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Khám sức khỏe định kỳ (BV 108), ông Vũ Trọng Hùng (65 tuổi ở Hải Phòng) cho biết: “Sức khỏe của tôi vẫn ổn định. Tuy vậy cũng nghe theo các con động viên, dù sao mình cũng có tuổi, cũng nhiều nguy cơ mắc các bệnh, đi khám sức khỏe và tầm soát ung thư để có thể phát hiện bệnh sớm”.

Tại BV Đại học Y Hà Nội, bà Vũ Minh Lý (61 tuổi, ở Quảng Ninh) tới bệnh viện thăm khám vì thường xuyên mệt mỏi, đau bụng, chán ăn. Dù đã được thăm khám tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, nhưng gia đình vẫn quyết định lên Hà Nội để thăm khám tổng thể và tầm soát ung thư.

a9-1691123316.jpg

Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang thăm khám cho bệnh nhân, sáng 28/7. Ảnh: vnexpress.net.

BS Ngô Văn Tỵ - Khoa Ung bướu (BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, đây là nhu cầu chăm sóc và quan tâm sức khỏe rất tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên cũng rất đáng lo ngại khi dịch vụ tầm soát ung thư cũng đang “bùng nổ”. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều quảng cáo tư vấn dịch vụ tầm soát, cam kết sàng lọc đúng bệnh, tiết kiệm và chính xác thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt bình luận.

Đơn cử, một cơ sở y tế tư nhân quảng cáo trên Facebook về gói tầm soát ung thư toàn thân với hơn 90 xét nghiệm liên quan với đảm bảo phát hiện được tất cả các bệnh ung thư nếu có. Hay cũng trên mạng xã hội, một phòng khám tư nhân cũng đưa ra những ưu đãi đặc biệt về dịch vụ lấy máu xét nghiệm tại nhà, cùng lời khẳng định “chỉ cần xét nghiệm máu là có thể phát hiện ung thư”.

Về vấn đề này, BS Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho rằng, không quá khi nói rằng hiện nay người dân như đang lạc vào “ma trận” của các gói, các loại tầm soát ung thư. Không ít các BV cũng đang xây dựng các gói tầm soát ung thư sớm dựa trên số tiền mà người dân bỏ ra. Hiểu nôm na là chi nhiều tiền thì sẽ có gói tầm soát cao cấp và ngược lại, cách xây dựng này hoàn toàn mang mục đích thương mại mà không từ góc độ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thậm chí, một vài gói tầm soát không những thực hiện những xét nghiệm rất đắt đỏ mà còn gây xâm lấn, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân như chụp CT toàn thân hay chụp PET/CT.

“Việc tầm soát ung thư là rất tốt nhưng cần sự phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân. Ví dụ như gia đình có mẹ mắc ung thư vú thì con gái nên tầm soát sớm, hay người đến độ tuổi nhất định nên đi tầm soát những loại ung thư cụ thể. Chúng ta cần hiểu, mỗi loại ung thư có phương pháp và thời gian tầm soát khác nhau, thực hiện trên nam và nữ có khác biệt. Chưa kể, một số loại bệnh ung thư không có biểu hiện bất thường trên các phương tiện chẩn đoán khi ở giai đoạn sớm. Bởi vậy, việc thực hiện tầm soát toàn thân, xét nghiệm tràn lan còn gây tâm lý hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người xét nghiệm” - BS Hoàng cho biết.

Không chỉ “trăm hoa đua nở” các gói tầm soát ung thư, kèm đó là hàng loạt các quảng cáo quá sự thật, thậm chí là sai lệch như "chỉ một xét nghiệm ra nhiều bệnh", "tầm soát ung thư đa điểm, từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài chỉ với một gói khám"... đã khiến không ít người dân tiền mất, tật mang.

GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: “Ung thư là bệnh đa hình thái, có trên 200 loại ung thư khác nhau và ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, cho nên nếu chỉ một xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có”.

GS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, các quảng cáo, thông tin về việc xét nghiệm máu để phát hiện sớm ung thư là không chính xác. Thông thường, những dịch vụ này quảng cáo là xét nghiệm máu để phát hiện chất chỉ điểm ung thư, hoặc dấu ấn ung thư. Thế nhưng, thực tế là trong y khoa, vai trò của chất chỉ điểm khối u là theo dõi và đánh giá, theo dõi kết quả điều trị, không phải để sàng lọc. Hơn nữa, một số chất chỉ điểm không chỉ tăng khi bị ung thư, mà viêm nhiễm thông thường, mắc các bệnh phổ biến cũng có thể tăng lên. Vì vậy, xét nghiệm chất chỉ điểm để sàng lọc ung thư không có ý nghĩa quá lớn.

Theo các BS, người dân nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, BS đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh. Tuyệt đối không tin vào các chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng, nhất là với bệnh nan y như ung thư, vừa mất tiền vừa khiến bệnh nặng thêm khi không được điều trị kịp thời.

L.Hằng