Tại trường THCS Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), đầu năm học, có nhiều khoản thu mà các phụ huynh phản ánh rằng không hợp lý, trái quy định.
Theo đó, các học sinh phải đóng góp 16 khoản thu, với tổng số tiền 4.218.000 đồng. Các phụ huynh cho biết, ngoài các khoản bắt buộc như: học phí, bảo hiểm y tế, quỹ lớp, chữ thập đỏ, quỹ đội, gửi xe, nước uống, điện thoại,… họ đều đồng ý. Thì các khoản như: tiền đổ rác 50.000 đồng/năm; cắt tỉa cây 80.000 đồng/năm; dọn vệ sinh 20.000 đồng/năm; quỹ xã hội hóa 400.000 đồng/học sinh, khiến họ bất bình vì sự vô lý.
Một phụ huynh cho biết: “Tiền đổ rác và tiền vệ sinh có khác gì nhau đâu mà phải tách ra thu riêng. Còn tiền cắt tỉa cây, nhà trường đã có nhà nước trợ cấp rồi. Hơn nữa, mặc dù nhà trường nói khoản xã hội hóa là các phụ huynh tự nguyện, nhưng tại sao lại đề ra mức 400.000 đồng/học sinh, rồi yêu cầu phụ huynh ký vào biên bản đồng ý”.
Lý giải vấn đề này với phụ huynh, bà Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thịnh nói: Đối với tiền xã hội hóa thì tự nguyện, phụ huynh tham gia hoặc không tham gia. Trong cuộc họp trước đó, các phụ huynh đều mong muốn con em được học với phương tiện hiện đại hơn, với tivi có chất lượng hình ảnh cao thay vì học máy chiếu cũ.
Ngoài ra, bà Nguyệt cũng nói rằng, số tiền xã hội hóa thu được sẽ phục vụ cho các việc như mua quạt, thay bóng đèn, phòng học, đường nước ra nhà vệ sinh, nắp cống rãnh… Như vậy, với mức xã hội hóa đề ra 400.000 đồng/học sinh thì mới đủ chi những khoản trên.
“Nhà trường không ép buộc, không cào bằng, tất cả đều trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Những mức thu trên vẫn chỉ đang được lên kế hoạch, vẫn chưa tiến hành thu do chưa được lãnh đạo phòng giáo dục và lãnh đạo thành phố phê duyệt”, hiệu trưởng Nguyệt nói.
Ngoài Trường THCS Quảng Thịnh, tại Trường THCS Lê Lợi, một số phụ huynh cũng phản ánh mức thu cao. Cụ thể, trường thu 14 khoản với tổng số tiền 5.312.000 đồng/học sinh. Đáng nói, ngoài khoản kêu gọi xã hội hóa 400.000 đồng/học sinh, nhà trường còn kêu gọi mua quạt, máy chiếu riêng với mức 500.000 đồng/học sinh.
Các phụ huynh cho rằng, điều đó là vô lý, khoản xã hội hóa và khoản tiền mua quạt, mua máy chiếu như vậy có sự trùng lặp.
Ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa cho biết, những khoản như cắt tỉa cây, đổ rác, vệ sinh tại trường THCS Quảng Thịnh, nhà trường không được phép thu. Riêng xã hội hóa thì phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, nhà trường chỉ kêu gọi, không được đề ra mức thu cụ thể.
“Phòng giáo dục hiện chưa phê duyệt kế hoạch thu của các trường. Nếu trường nào thu trái quy định, chúng tôi sẽ chấn chỉnh”, ông Lựu nói.
Năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã quán triệt các khoản thu tại các cơ sở giáo dục để tránh tình trạng lạm thu. Trong đó, nghiêm cấm một số khoản thu như: Tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Không thu đóng góp của phụ huynh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh, các trường phải tổ chức cho học sinh lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cơ sở vật chất trường, lớp…