Cơ hội thoát khỏi 'của tử' căn bệnh ung thư vú nếu phát hiện sớm

Lã Thị Thúy hằng
Tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng tăng nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vú đang có xu hướng giảm đi nhờ những tiến bộ trong điều trị ung thư và tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm ngày càng tăng. Do đó, việc sàng lọc phát hiện sớm nhằm phát hiện ung thư trước khi xuất hiện dấu hiệu hay triệu chứng bệnh đóng một vai trò quan trọng.

a2-1663199437.jpg

Siêu âm vú giúp phát hiện sớm các tổn thương ung thư vú.

Bệnh ung thư vú sinh ra do các đột biến gen làm tế bào sinh sản không kiểm soát được. Có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng này, trong đó có khoảng 5 - 7% trường hợp có nguyên nhân di truyền, còn lại hơn 90% trường hợp chịu tác động của các yếu tố môi trường và lối sống.

Đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú; Người gặp vấn đề sinh sản (vô sinh, hiếm muộn hoặc có con đầu lòng khi trên 35 tuổi) hoặc mắc bệnh u nang hoặc u xơ tuyến vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung...; Người có kinh nguyệt sớm hay mãn kinh muộn; Người phải tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại, tia bức xạ.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ tồn tại cũng làm tăng tỷ lệ ung thư vú của nữ giới như: tuổi cao, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì, ít vận động...

Theo các bác sĩ ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), tổ chức ung thư sẽ phát triển từ các tế bào núm vú và khi phát triển quá tầm kiểm soát của cơ thể sẽ hình thành các khối u. Triệu chứng của ung thư vú sẽ chia theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, bao giờ cũng sẽ là biểu hiện tại chỗ, tại các khu vực xung quanh vùng nách và khi bệnh đến giai đoạn muộn sẽ có biểu hiện từ những cơ quan xa.

Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể sờ thấy u, cục, chảy dịch núm vú bất thường, chảy dịch hồng, vàng, có thể co kéo tụt núm vú, thay đổi sắc tố da tại vùng vú đấy, đỏ da, sần da cam hoặc nổi những nốt trên da vú. Ở giai đoạn muộn hơn, khối u nổi rõ, xâm lấn da, lở loét; các triệu chứng khi di căn xa nổi hạch cổ, khó thở, đau xương, đau bụng...

Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất. Điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức, phối hợp giữa phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị đích, miễn dịch… Tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm của khối u và tình trạng sức khỏe bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị phù hợp.

a1-1663199472.jpg

Phẫu thuật ung thư vú.

Theo báo cáo tháng 3/2022 của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), 99% những người được điều trị ung thư vú ở giai đoạn sớm nhất sống được 5 năm hoặc lâu hơn sau khi được chẩn đoán và tỷ lệ sống sót của những người mắc ung thư vú di căn là 28% nếu duy trì điều trị kéo dài. Tỷ lệ sống sót đối với bệnh ung thư vú sẽ cao hơn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.

Trong chẩn đoán ung thư vú đầu tiên là khám lâm sàng, bác sĩ sẽ quan sát hình dạng, kích thước, màu sắc da tuyến vú, núm vú tìm các dấu hiệu bất thường, đồng thời thăm khám, đánh giá mật độ tuyến vú, phát hiện khối u, đánh giá kích thước, mật độ, ranh giới, sự di động của khối u.

Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm, trong đó có chụp X-quang tuyến vú, siêu âm tuyến vúm, chụp cộng hưởng từ tuyến vú để xác định các tổn thương vi vôi hóa, các khối, đánh giá tình trạng di căn hạch…

Sau khi có kết quả chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân sẽ được chọc tế bào hoặc sinh thiết vú dưới hướng dẫn của siêu âm để chẩn đoán xác định ung thư vú.

Tỷ lệ mắc ung thư vú có xu hướng tăng nhưng tỷ lệ tử vong do ung thư vú đang có xu hướng giảm đi nhờ những tiến bộ trong điều trị ung thư và tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm ngày càng tăng. Do đó, việc sàng lọc phát hiện sớm nhằm phát hiện ung thư trước khi xuất hiện dấu hiệu hay triệu chứng bệnh đóng một vai trò quan trọng.

Theo khuyến cáo, phụ nữ từ trên 40 tuổi cần khám tầm soát định kỳ ung thư vú.

T.Hằng