Sau 3 năm chứng kiến sự chi phối của hình thái thời tiết La Nina, hiện tượng El Nino đã chính thức quay trở lại, cùng với biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt các sự kiện thời tiết cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt, lũ lụt nghiêm trọng, cháy rừng trên khắp thế giới trong những tuần vừa qua.
Trong bản tin cập nhật tình trạng El Nino mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhấn mạnh, hiện tượng này sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho tới hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về những vấn đề liên quan đến El Nino cũng như tác động của hình thái thời tiết này đến Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
PV: Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) gần đây đưa ra cảnh báo về việc El Nino đã chính thức xuất hiện. Xin ông cho biết một số thông tin tổng quan về hiện tượng thời tiết này, cũng như dự báo diễn tiến của nó trong thời gian tới?
“El Nino” là từ được dùng để chỉ hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía đông Thái Bình Dương cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 độ C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần.
Căn cứ trên bộ số liệu quan trắc nhiệt độ nước biển dọc theo vùng xích đạo ở phía đông và vùng trung tâm Thái Bình Dương, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện. Thông tin này cũng được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) xác nhận ngày 8/6/2023 khi nhiệt độ nước biển đo được đã cao hơn so với trung bình khí hậu 0,5 độ C, ngưỡng để xác lập trạng thái El Nino.
Có 80-90% khả năng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài sang đầu năm 2024.
Dự báo thời gian đỉnh điểm của El Nino xảy ra trong mùa 3 tháng từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, với xác suất El Nino có cường độ mạnh vào khoảng 56% và xác suất El Nino đạt cường độ trung bình vào khoảng 84%. Như vậy, nhiều khả năng El Nino sẽ xảy ra với cường độ từ trung bình đến mạnh.
PV: Hiện tượng El Nino và La Nina tạo ra hai hình thái thời tiết đối nghịch nhau: khô hạn và ngập lụt. Chúng ta có thể hiểu rằng, trong thời kỳ El Nino, tần suất và cường độ của các cơn bão sẽ thấp hơn mọi năm?
Đúng là El Nino và La Nina tạo ra các hình thái thời tiết đối nghịch nhau cho các khu vực địa lý của Việt Nam, một loại làm cho nắng hạn nhiều hơn và cái còn lại gây ra nhiều mưa bão hơn. Tổng lượng mưa trung bình trong các năm có El Nino thường thấp hơn, nhiệt độ thì cao hơn và có nhiều đợt nắng nóng hơn so với các năm bị ảnh hưởng bởi La Nina.
Mỗi vùng miền của Việt Nam có các đặc tính nhạy cảm khác nhau với cả hai hiện tượng thời tiết này. Từ đó, chúng ta cần xem xét mức độ tác động của El Nino và La Nina mỗi năm trên mỗi đặc điểm địa phương để tính toán mức độ ảnh hưởng, thiệt hại.
Với các năm La Nina, việc gây ra nhiều mưa lũ đi kèm với bão thì mọi người sẽ nhìn thấy các tác động ngay lập tức, như đổ nhà, cây cối, làm hư hỏng hạ tầng, có khi thiệt hại cả về người. Trái lại, hiện tượng khô hạn do El Nino tạo ra tác động rất chậm, và khó nhận diện hệ quả ngay. Hệ quả thường chỉ có thể nhìn thấy vào giữa hoặc cuối kỳ El Nino, khi mà tất cả khủng hoảng do nó gây ra đạt đỉnh.
Hình thái phổ biến của El Nino là hạn hán nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không đối diện với bão hay mưa lụt. Bởi vì trong các kỳ El Nino vẫn có những đợt bão lụt xen kẽ, và không loại trừ có cả các cơn bão lớn.
Hình thái phổ biến của El Nino là hạn hán nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không đối diện với bão hay mưa lụt. Bởi vì trong các kỳ El Nino vẫn có những đợt bão lụt xen kẽ, và không loại trừ có cả các cơn bão lớn.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia
El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Đáng chú ý, một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Điển hình như năm 2015 xảy ra El Nino nhưng tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7. Năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực.
Cụ thể, lũ lớn trên biến động 3 vào tháng 7, đầu tháng 8 trên hệ thống sông Hồng-sông Thái Bình; lũ lớn Trung Bộ cuối tháng 9, trong đó có xuất hiện lũ lịch sử ở thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); Nam Bộ đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long và Tây nguyên có thể chịu tác động khốc liệt hơn
PV: Ông nhận định thế nào về các kịch bản tác động của El Nino ở Việt Nam, cũng như mức độ ảnh hưởng đến 3 miền Bắc, Trung, Nam do sự khác biệt địa hình và chế độ thủy văn?
El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Vì thế, nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023.
Chúng ta cần đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Ví dụ dễ hình dung nhất về tác động của El Nino là hiện tượng này đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015/2016 và 2019/2020.
Năm 2016, phương sai nhiệt độ ở bề mặt biển khu vực cận xích đạo và ở phía đông nam Thái Bình Dương là 2,6 độ C so với trung bình nhiều năm. Đây là mức cao nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay và đó là một trong những lý do El Nino năm đó đã tạo ra đợt hạn hán rất khốc liệt.
Nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Còn năm nay, các mô hình dự báo phương sai nhiệt độ cho thấy mức chênh lệch nhiệt độ để gây ra El Nino có thể vào khoảng từ 1,8-2 độ C. Tuy thấp hơn năm 2016, nhưng lại cao hơn mức 1,2 độ C của đợt El Nino 2019-2020.
Vậy có thể dự đoán mức độ của El Nino năm nay sẽ không khốc liệt bằng năm 2016. Tuy vậy, để đánh giá ảnh hưởng của hạn hán đối với các vùng khác nhau, sẽ còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng nước, thời điểm và thời vụ của người dân gieo trồng hoặc các hình thái kinh tế-xã hội phụ thuộc nguồn nước cũng như nhiệt độ.
Việt Nam sẽ có những vùng nhạy cảm với El Nino như: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, bao gồm cả Bắc và Nam Trung bộ. Đây đều là những vùng nhạy cảm với nguồn nước. Đặc biệt ở Tây Nguyên, khi thiếu hụt lượng mưa, sẽ gây tụt giảm mạch nước ngầm và người dân sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm nước tưới cây, chăm gia súc, gia cầm cũng như nước uống cho người. Vì vậy, chúng ta phải có kế hoạch dự phòng nguồn nước dự trữ.
Đồng bằng sông Cửu Long có thể phải đối diện với tính chất khốc liệt hơn khi số lượng các hồ chứa và các đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong khác so với năm 2016. Khu vực này nhận hai nguồn nước chính, ngoài nguồn nước mưa tại chỗ, chúng ta đang phải phụ thuộc vào lượng nước xả từ thủy điện xuống.
Đồng bằng sông Cửu Long có thể phải đối diện với tính chất khốc liệt hơn khi số lượng các hồ chứa và các đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong khác so với năm 2016.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia
Hiện chỉ có Cà Mau là địa phương nhận nguồn chính là nước mưa tại chỗ. Đa số các tỉnh thành khác nhận nguồn nước từ thượng nguồn Mekong. Bản thân thượng nguồn lại phụ thuộc vào lượng mưa ở tây Trường Sơn của Việt Nam, Lào, Myanmar và Trung Quốc.
Như vậy, nếu lượng mưa ở các vùng đó ít, cộng với việc điều tiết nước từ các hồ thủy điện thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không tránh khỏi hạn hán và xâm nhập mặn với mức độ khá cao vào cuối năm nay và đầu năm sau. Tác động đó càng rõ ràng hơn khi thời điểm đó trùng với mùa khô và xâm nhập mặn vào trong đất liền.
PV: Dự báo tác động tiêu cực nhất của El Nino tại Việt Nam là khi nào và vùng nào, thưa ông? Tại Việt Nam, đợt El Nino mới này sẽ có thể kéo dài đến bao giờ?
El Nino kết hợp với xu thế nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu khiến châu Á khả năng phải hứng chịu những đợt sóng nhiệt mạnh mẽ, với nhiệt độ phá vỡ kỷ lục ở Nam Á, nam Trung Quốc đến Đông Nam Á. Tuy nhiên, so với các khu vực khác như Ấn Độ, Australia, mức độ tăng nhiệt trung bình của Việt Nam thấp hơn, chủ yếu vào các tháng 6-7 và khu vực phía bắc của Việt Nam.
Ở Việt Nam, tác động tiêu cực nhất của El Nino là vào thời kỳ phát triển, suy thoái và tan rã, đặc biệt là nắng nóng, giảm mưa ở một số vùng, dẫn đến thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra với tần suất cao. Ví dụ hạn hán vào mùa xuân hè ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và hạn hán vào mùa đông xuân ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
PGS, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Tác động của El Nino đối với Việt Nam sẽ gia tăng vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng khốc liệt hơn, hạn hán, xâm nhập mặn có thể diễn ra trên diện rộng vào thời kỳ này.
Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%. Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023.
Thực tế trong năm 2023, nắng nóng đã xuất hiện sớm, dự báo có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn hơn so với năm 2022.
Các đợt nắng nóng khả năng cũng sẽ dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn. Tháng 5 vừa qua, đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục.
Thí dụ, vào ngày 7/5, tại Tương Dương-Nghệ An nhiệt độ cao nhất đo được lên tới 44,2 độ. Đây là kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất đo được ở Việt Nam từ trước đến nay. Ngày 17/5, nhiệt độ tại Thủ đô Hà Nội lên tới 41,3 độ, vượt mức lịch sử tháng 5 mới thiết lập vào năm 2020.
Đầu tháng 6, nhiệt độ tại Mường La của Sơn La cũng liên tiếp phá vỡ kỷ lục, lên tới 43,8 độ. Đây là giá trị nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay tại đây.
Đi kèm nắng nóng là nguy cơ hạn hán có thể xảy ra từ tháng 4-8/2023 ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Theo kết quả dự báo hiện nay của các trung tâm lớn trên thế giới, El Nino có thể kéo dài đến đầu mùa xuân năm 2024 với xác suất khoảng 80%. Phân tích của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) cho biết, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực Nino 3.4 đạt cực đại có thể bắt đầu vào tháng 10/2023 đến tháng 2/2024, tức thời điểm El Nino đạt cường độ mạnh nhất.
PV: Lần gần nhất hiện tượng El Nino xuất hiện là vào các giai đoạn 2019-2020 và trước đó là 2015-2016. Đặc biệt, giai đoạn 2015-2016 được xem là đợt El Nino mạnh kỷ lục và kéo dài nhất trong vòng 60 năm. Khi đó, Việt Nam đã chịu những tác động và thiệt hại như thế nào, thưa ông?
Năm 2015 nằm gọn trong chu trình El Nino thuộc giai đoạn El Nino phát triển, các trạm khí tượng trên 7 vùng khí hậu đều có nhiệt độ không khí trung bình năm cao hơn trung bình nhiều năm thời kỳ 1961-2010.
Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối trong năm 2015 có trị số từ 40 độ C trở lên xảy ra ở cả 7 vùng khí hậu trong cả nước (trừ một số trạm vùng cao, ven biển và hải đảo), trong đó nổi bật nhất là vùng khí hậu Bắc Trung Bộ với trị số cao nhất trên 42 độ C. Các trạm có nhiệt độ cao nhất trên 42 độ C là Quỳ Hợp (42,7 độ C), Con Cuông (42,5 độ C), Tây Hiếu (42,0 độ C), Hương Khê (42,1 độ C), Đông Hà (42,0oC). Tại Hà Nội cũng ghi được nhiệt độ cao nhất 40,8 độ C. Các trị số nhiệt độ cao nhất trong chu trình El Nino ghi được trong các đợt nắng nóng, trong đó hầu hết vào tháng 5, tháng 7/2015 và tháng 4/2016.
Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối ở hầu hết các trạm trong chu trình El Nino đều ghi được trong tháng 1/2016 (trừ khu vực Tây Nguyên xảy ra trong tháng 1/2015), thời kỳ phát triển cực đại của El Nino. Trị số thấp nhất phổ biến dưới 5 độ C ở Bắc Bộ, trong đó một số nơi dưới 0 độ C như Mẫu Sơn (-5,0 độ C), Pha Đin (-4,3 độ C), Sa Pa (-4,2 độ C), Sìn Hồ (-2,6 độ C), Mộc Châu (-0,9 độ C), dưới 7 độ C ở Bắc Trung Bộ, dưới 15 độ C ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Một số nơi ở vùng núi cao phía Bắc đã xảy ra băng tuyết.
Như vậy, trong một chu trình El Nino đã xảy ra những giá trị cực đoan thuộc loại kỷ lục của cả nhiệt độ cao nhất và nhiệt độ thấp nhất.
Trong điều kiện El Nino kéo dài, ảnh hưởng nặng nhất đối với Việt Nam là thiếu hụt lượng mưa và hạn hán nghiêm trọng ở nhiều vùng, trong đó nặng nề nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Nhiều hồ chứa ở Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% dung tích thiết kế, thấp hơn nhiều so với năm 2015, riêng ở Gia Lai các hồ chứa chỉ đạt 10-50%. Kiên Giang là tỉnh bị hạn và xâm nhập mặn nặng nhất.
Ninh Thuận và Bình Thuận là hai trong số các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán khắc nghiệt trong đợt El Nino 2019-2020. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Tại tỉnh Ninh Thuận, hàng trăm nghìn người đã rời làng xuống đặt chòi canh tác nông nghiệp trong lòng hồ sông Sắt, một hồ lớn nhất tỉnh với dung tích thiết kế 70 triệu m3. Hạn hán kéo dài khiến mực nước hồ xuống thấp chỉ còn 1/4, trơ ra những khoảng đất trống ẩm ướt có thể trồng tỉa cây ngắn ngày. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, thiếu nước sinh hoạt ở nhiều địa phương do nguồn nước cung cấp bị ô nhiễm nặng hoặc hết. Lượng nước tích trên 20 hồ chứa trong tỉnh chỉ còn 50 triệu m3 (khoảng 26% dung tích thiết kế).
Về tác động của El Nino 2015/2016 đến kinh tế-xã hội, theo thống kê của tỉnh Gia Lai, tính đến tháng 3/2016, tình trạng thiếu hụt nguồn nước diễn ra trên diện rộng khiến hơn 25 nghìn ha cây công nghiệp và hoa màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng (tăng hơn 810 ha so với cùng kỳ năm trước), hàng nghìn ha lúa ở phía tây tỉnh Gia Lai cháy khô, giờ làm nguồn thức ăn cho trâu bò; hàng trăm nghìn ha cà phê queo quắt, thiệt hại ước hơn 151 tỷ đồng.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, vụ mùa và vụ thu đông năm 2015 có 90 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất do xâm nhập mặn, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50 nghìn ha (Kiên Giang 34 nghìn ha, Sóc Trăng 6.300 ha, Bạc Liêu 5.800 ha). Vụ đông xuân 2015-2016 có 104 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, chiếm 11% diện tích gieo trồng của 8 tỉnh ven biển.
Năm 2015, ước tính thiên tai đã làm 154 người chết, hơn 445 nghìn ha diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (tháng 4/2016) cho biết, năm 2015 ước tính thiên tai đã làm 154 người chết, hơn 445 nghìn ha diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng.
Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến hơn 2 triệu người thiếu nước sinh hoạt, 1,75 triệu người mất sinh kế, hàng trăm nghìn người có nguy cơ mắc dịch bệnh. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đợt hạn - mặn này đã làm khoảng 290 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, trên 250 nghìn ha cây trồng bị thiệt hại, tổng thiệt hại ước tính trên 15 nghìn tỷ đồng.
Rà soát nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có kế hoạch phù hợp
PV: Vào 2 giai đoạn El Nino xuất hiện, vùng Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta đều rơi vào khủng hoảng hạn mặn. Năm nay, liệu cuộc khủng hoảng đó có nặng nề hơn không, thưa ông? Kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với khu vực này là gì?
Hai sự kiện El Nino cực đoan đã xảy ra hồi mùa mưa 2015 và mùa mưa 2019, dẫn đến hạn mặn cực đoan vào mùa khô 2016 và 2020, làm mặn xâm nhập sâu vào đất liền, gây thiệt hại cho vụ lúa mùa khô ven biển và gây thiếu nước ngọt cho hàng trăm nghìn người ở 8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Đợt El Nino mới đã bắt đầu nhưng chưa biết mạnh hay yếu. Trong tình huống một El Nino mạnh diễn ra thì kịch bản sẽ là mùa mưa sắp tới từ tháng 5-11/2023 lượng mưa ở các quốc gia lưu vực sông Mekong và ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít.
Lượng mưa ít trên lưu vực sông Mekong dẫn đến mùa lũ năm nay sẽ thấp. Lượng thủy sản tự nhiên của sông Mekong trôi về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít đi vì cá không có nhiều môi trường để sinh sản. Ngoài ra, lượng phù sa bùn cát trôi về Đồng bằng sông Cửu Long theo mùa lũ cũng sẽ thấp.
Mùa lũ thấp sẽ ảnh hưởng đến vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, nhất là các mô hình canh tác và sinh kế dựa vào mùa lũ như nuôi cá trên đồng, nuôi tôm càng xanh trên đồng và các loại hình du lịch dựa vào mùa lũ. Tiếp theo đó, mùa khô sau Tết 2024, hạn mặn có thể gay gắt ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, mặn có thể sẽ lấn sâu vào đất liền.
Cần đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Khi nói về rủi ro hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long cần phải xét hai vùng riêng biệt là vùng cửa sông Cửu Long và vùng bán đảo Cà Mau vì hai vùng này rất khác nhau.
Vùng cửa sông Cửu Long do vị trí nằm ở phía cuối của lưu vực sông Mekong cho nên chịu ảnh hưởng của biến động lượng nước ở phía thượng nguồn Mekong, trong đó gồm biến đổi khí hậu ở thượng nguồn và sự vận hành của các hồ thủy điện.
Năm nào có El Nino mưa ít thì mùa lũ sông Mekong thấp và sang đến mùa khô dòng sông Mekong yếu. Khi mực nước sông Mekong thấp, các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy turbine phát điện thì phải đóng đập để tích nước cho đủ độ sâu. Đập trên đóng thì đập dưới và đập kế tiếp phải chờ. Nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu, khi đó tình hình hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long.
Gặp những năm El Nino cực đoan và thủy điện làm cho tồi tệ thêm như thế thì ở Đồng bằng sông Cửu Long, các công trình ngăn mặn ven biển chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn không có nước.
Ngược lại, những năm nào có lượng mưa bình thường hay có hiện tượng La Nina gây mưa nhiều, nước sông Mekong dồi dào, mùa lũ cao thì thủy điện sẽ lấy bớt nước lũ trữ vào hồ và đợi đến mùa khô xả ra phát điện làm gia tăng dòng chảy mùa khô, làm giảm hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, vùng bán đảo Cà Mau ít chịu ảnh hưởng của sông Cửu Long. Lượng nước ở đây chủ yếu là do mưa tại chỗ. Ở vùng này, đất bên dưới là đất mặn, hằng năm có lớp nước mưa phủ lên bề mặt nên được 6 tháng ngọt nhưng khi sang mùa khô thì mặn vì hết nước ngọt.
Đối với vùng bán đảo Cà Mau, gặp những năm khô hạn cực đoan, công trình ngăn mặn chỉ phát huy tác dụng vào đầu mùa khô. Đến giữa mùa khô thì dù có ngăn được mặn từ biển vào thì bên trong cũng không có nước và mặn từ dưới đất được mao dẫn đưa lên vì đất bên dưới vùng này là mặn.
PV: Trong bối cảnh El Nino đã chính thức bắt đầu, Chính phủ, Tổng Cục Khí tượng thủy văn và Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã và đang triển khai các biện pháp gì để ứng phó với những tác động của El Nino trong thời gian tới?
Thực tế cho thấy trong những năm El Nino, diễn biến thời tiết và khí hậu thường rất bất thường và khó dự báo, thiên tai thường tác động nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội, môi trường và sức khỏe người dân. Do đó cần có các kịch bản ứng phó với sự khắc nghiệt của El Nino trong thời gian tới.
Ứng phó với El Nino, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cảnh báo tác động của El Nino, thông tin cho các bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.
Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo cơ quan khí tượng thủy văn và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể.
Trong đó, tăng giám sát và tăng cường tần suất bản tin chuyên đề về hiện tượng El Nino, dự báo lượng mưa và nguồn nước trên các lưu vực sông. Cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước phục các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.
Chúng ta cần rà soát đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đặc biệt là đối với vụ hè thu ở Bắc Trung Bộ, Trung Bộ, hay các khu có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023.
Chủ các hồ chứa cũng cần xem xét có điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thâm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino.
Bên cạnh ứng phó với tình hình thiếu nước, khô hạn trong điều kiện El Nino thì chúng ta tuyệt đối không chủ quan với khả năng xảy ra mưa lũ bất thường như đã từng xảy ra trong những năm El Nino trước đây.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo báo Nhân dân