Tuyên Quang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Xác định xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ hộ gia đình, đến thôn bản, xã, đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang đã làm tốt vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các cấp, ngành, ban hành các cơ chế chính sách, văn bản rõ ràng, cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương....

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa, môi trường, giáo dục theo phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” đã được hệ thống chính trị các cấp, nhân dân đồng thuận và đạt một số kết quả quan trọng góp phần tăng và đạt tiêu chí nông thôn mới ở các xã trên địa bàn tỉnh.

image005(3)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: IT

Tùy thuộc lợi thế của từng địa phương, lựa chọn thứ tự ưu tiên các tiêu chí để thực hiện, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, các tiêu chí liên quan trực tiếp đến người dân để vận động thực hiện nhằm tạo thành phong trào thi đua lấy thành tích gắn với công tác thi đua khen thưởng. Vai trò chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các cấp, ngành được thể hiện qua việc, cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XV) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo:

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông thôn mới (Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 29/3/2012); phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 70/QĐ-UBND ngày 29/3/2012); kế hoạch xây dựng nông thôn mới 07 xã điểm tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013-2015 (Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 06/02/2013); kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 (Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 08/6/2016) và Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, đồng thời phát động các phong trào thi đua tại các địa phương, đơn vị, đoàn thể.

Phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ gắn với nhiệm vụ chuyên môn nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện và lồng ghép tối đa nguồn lực, trí tuệ trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, phân công lãnh đạo tỉnh phụ trách các huyện, phụ trách xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch; cử cán bộ thuộc sở, ban, ngành, huyện, thành phố về xã trực tiếp tham mưu, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung cho tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về chủ trương, định hướng và chính sách trong xây dựng NTM, đào tạo tập huấn cho cán bộ làm công tác NTM, triển khai các quy hoạch và đề án xây dựng NTM cấp xã; đánh giá, tính toán các tiêu chí trong NTM.

Chỉ đạo lựa chọn các xã ưu tiên xây dựng NTM đại diện cho từng địa phương nhằm phát huy thế mạnh của địa phương và có sức lan tỏa rộng. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã lựa chọn 07 xã (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 01 xã) để chỉ đạo điểm về xây dựng NTM.

Trong đầu tư, ưu tiên lựa chọn đầu tư các công trình gắn với phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân; chú trọng thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo nhằm phấn đấu đạt các mục tiêu về thu nhập, hộ nghèo. Chỉ đạo lồng ghép nguồn lực từ các nguồn vốn, các chương trình dự án và huy động từ cộng đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Cụ thể hóa bộ tiêu chí quốc gia trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ; chỉ đạo các ngành ban hành hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, quy trình và hồ sơ thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn đảm bảo khách quan, sát thực.

Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án xây dựng huyện NTM trong quá trình đô thị hóa tại huyện Hàm Yên. Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới và chỉ đạo thực hiện. Đồng thời định hướng xây dựng các mô hình điểm về môi trường, về an ninh chính trị.

Ban hành Kế hoạch  thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhằm khai thác lợi thế của từng địa phương trong sản xuất, phát triển ngành nghề, làng nghề để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

image001(1)
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh thăm mô hình vườn chanh xã Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: IT

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo động lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, nâng cao đời sống nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững.

Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp trên địa bàn tỉnh đã được trang bị các kiến thức cơ bản về cơ chế, chính sách, nội dung Chương trình, quy trình triển khai thực hiện và những kỹ năng mềm về xây dựng, lập kế hoạch; kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng và người dân... tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện xây dựng NTM ở cơ sở.

Từ đó, đã đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, đảm bảo bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế (tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 4,5%/năm; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ đã được áp dụng; cơ cấu cây trồng dịch chuyển theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái, hình thành những vùng sản xuất tập trung; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn tiếp tục phát triển cả về giá trị sản xuất và hình thức hoạt động; cơ cấu lao động lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 74,8% năm 2010, hiện là 54,3%, dự kiến năm 2020 là 53%).

Góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao ; môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững.

VD