Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xác định “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM” là chương trình trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cơ sở đó, tỉnh Tuyên Quang giữ vững mục tiêu xuyên suốt của chương trình theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Cư dân nông thôn có thu nhập ổn định và ngày càng nâng cao, có điều kiện sống văn minh, có cơ hội phát triển; ngành nông nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế, có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông thôn thịnh vượng, phát triển gắn bó hài hòa với đô thị và cả nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Xã hội nông thôn trở thành nơi đáng sống, có kết cấu hạ tầng tiệm cận với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, mang bản sắc dân tộc, quan hệ cộng đồng gắn bó. Quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

image001(41)
Tác động từ chính sách bê tông hóa đường giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn xã Mỹ Bằng. Ảnh: IT

Việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; tiếp tục nâng cao chất lượng, chương trình phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, tỉnh Tuyên Quang đã  tập trung rà soát, tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt; xây dựng chương trình, kế hoạch sau năm 2020 thật cụ thể, sát với thực tế. Có giải pháp hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn , vùng sâu, vùng xa, nơi kết quả xây dựng nông thôn mới và các chỉ tiêu đạt thấp, để dẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, cụ thể:

Đổi mới, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền: Phát huy cao độ vai trò chủ thể của người dân, lấy thay đổi tư duy, nếp sống, suy nghĩ của người dân làm mục tiêu; cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng thành viên, hội viên theo phương châm “Cư dân nông thôn là chủ thể, cộng đồng là đơn vị đánh giá”.

Hoàn thiện các cơ chế chính sách thực hiện Chương trình: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong giai đoạn mới; xây dựng và cụ thể hóa các quy định về cơ chế tài chính, thanh quyết toán, đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho cấp xã và cơ sở thôn thực hiện.

Củng cố, kiện toàn Bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, trong đó duy trì hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh và cấp huyện (theo hướng sắp xếp cán bộ chuyên trách lâu dài theo cơ cấu có bộ phận chuyên môn) và xác định rõ nhiệm vụ bố trí cán bộ chuyên trách nông thôn mới cấp xã.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn huyện Hàm Yên, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới. Các cấp, các ngành tiếp tục tục đẩy mạnh thực  hiện kế hoạch xây dựng: Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; thôn nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới.

Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng NTM; tăng cường triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm,...; chú trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển thương hiệu nông sản; tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh và tiếp cận nông nghiệp 4.0.

Tiếp tục hoàn thiện, hỗ trợ đầu tư nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng kinh tế -xã hội nông thôn, gắn với việc tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nông thôn. Phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, có khả năng tái tạo và phục hồi tài nguyên, có khả năng chủ động ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trước nhân dân, làm nòng cốt trong thực hiện các phong trào. Xây dựng chính quyền cơ sở gần dân, gắn bó với nhân dân; thực sự liêm khiết, năng động, sáng tạo, tận tụy phục vụ nhân dân; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cơ sở cần đổi mới phương thức hoạt động, gần gũi, gắn bó với đoàn viên, hội viên và nhân dân; tăng cường vai trò trách nhiệm đối với nhân dân.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình hằng năm và giai đoạn. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt về việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, sử dụng và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình của HĐND và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá  kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở từng địa phương.

image001(4)
Diện mạo nông thôn xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (một trong các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: IT

Từ việc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đã nhận thức đầy đủ về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện. Người dân ngày càng nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể của mình và chủ động, tích cực tham gia xây dựng NTM như: đóng góp ý kiến cho các đề án, quy hoạch xây dựng NTM, đề xuất kế hoạch nội dung công việc thực hiện Chương trình, chủ động đóng góp kinh phí, đất đai, công sức, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tích cực tham gia giữ gìn bảo vệ môi trường nông thôn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì nếp sống văn hóa, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Cùng với đó, việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, vốn tài trợ, viện trợ cũng đã đạt được nhiều những kết quả tích cực góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2010-2020, tỉnh Tuyên Quang cũng đã đưa ra mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021-2025

- Duy trì, giữ vững thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; phấn đấu có thêm ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Phấn đấu ít nhất 57% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (72 xã); không có xã dưới 10 tiêu chí. Nâng cao chất lượng tiêu chí tại 41 xã đã đạt chuẩn; phấn đấu có từ 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Giai đoạn 2026 - 2030

- Duy trì 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu có thêm ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

- Hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới tại 100% số xã; tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu.

- Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân năm 2030 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2025.

Tâm Hiền