Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN

Đặng Thu Hằng
Ngày 12/10, tại Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và Hội nghị lần thứ 12 giữa các bên tham gia Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER) diễn ra tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), các đại biểu của các quốc gia thành viên ASEAN đã ra Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN.

Chú thích ảnh Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quản lý thiên tai lần thứ 11 đã diễn ra tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

Tuyên bố khẳng định cam kết của Bộ trưởng về lĩnh vực quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN trong việc tăng cường thực hiện hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN, đặc biệt là thực hiện ba trụ cột chính gồm: Thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; lập kế hoạch, vận hành và thực hiện; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn.

Cụ thể, các Bộ trưởng nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng hướng tới việc hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 về quản lý thiên tai nhằm đưa ASEAN trở thành khu vực tiên phong trong việc thay đổi bối cảnh quản lý thiên tai trong và ngoài khu vực ASEAN, đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cách tiếp cận sáng tạo, xây dựng mạng lưới, tài chính bền vững, quản trị liên ngành và đa tầng, lấy người dân làm trung tâm vào năm 2025.

Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết hỗ trợ thực hiện Khung ASEAN về Hành động sớm trong quản lý thiên tai; cam kết đạt được mục tiêu thúc đẩy việc thực hiện và nhân rộng các phương pháp tiếp cận hành động sớm trong khu vực ASEAN để bảo vệ người dân, tài sản và sinh kế trước các thiên tai tiềm tàng có thể xảy ra nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do thiên tai ở các quốc gia thành viên ASEAN. Đồng thời, cam kết nỗ lực cải thiện hệ thống thông tin rủi ro, dự báo và cảnh báo sớm ở cấp khu vực và quốc gia.

Các Bộ trưởng khuyến nghị ACDM và Ban Quản trị Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA) nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chia sẻ dữ liệu chất lượng trong khu vực và với các đối tác đồng thời tăng cường năng lực cho các hệ thống cảnh báo sớm và dự báo dựa trên tác động trong khu vực; nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường việc lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai ở cấp khu vực và cấp quốc gia. Để đạt mục tiêu này, các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN, một ứng phó: ASEAN ứng phó với thiên tai như một thực thể trong và ngoài khu vực (OAOR).

Các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tài chính của khu vực ASEAN nhằm ứng phó thiên tai thông qua việc thúc đẩy hợp tác liên ngành với các ngành khác trong ASEAN liên quan đến tài chính và bảo hiểm rủi ro để thực hiện các sáng kiến khu vực như Chương trình Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (ADRFI) và Quỹ Bảo hiểm rủi ro thiên tai ASEAN (SEADRIF).

Bên cạnh việc chính thức thông qua Tuyên bố Hạ Long, Hội nghị AMMDM lần thứ 11 còn tập trung thảo luận các nội dung gồm: Định hướng hoạt động trong thời gian tới cho Ban Quản trị Trung tâm AHA; quy tắc tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp; ghi nhận Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về chống chịu bền vững được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia.

Dự hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 có 5 Bộ trưởng, 8 Thứ trưởng và hơn 150 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai, các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực Timor Leste tham dự hội nghị với vai trò quan sát viên.