Trời lạnh, gia tăng người đến viện do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Khoa Khám bệnh đa khoa Bệnh viện Châm cứu Trung ương vừa tiếp nhận anh N (29 tuổi, Hà Nội) vào viện trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, nhân trung lệch trái, rãnh mắt mũi bên phải mờ. Bệnh nhân không thể làm động tác thổi lửa, huýt sáo…
BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: 3 ngày trước khi vào viện, anh N ngủ dậy thấy phòng vẫn ấm nên kéo cửa ban công cho thoáng. Khi vào nhà vệ sinh, anh bất ngờ vì nước đánh răng chảy vương vãi, không thể kiểm soát dù cố ngậm miệng.
Nhìn vào gương, anh thấy miệng lệch, đặc biệt khi chớp, nhắm mắt, hai bờ mi bên mắt trái không khép lại kín. Tưởng đột quỵ, anh lập tức đi khám và được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hoàn toàn, chuyển Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị.
Tượng tự, một bệnh nhân 36 tuổi, ở Hòa Bình cũng vừa nhập viện tại khoa Y dược cổ truyền, bệnh viện đa khoa Hòa Bình do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Khai thác tiền sử được biết bệnh nhân về nhà khi tối muộn, vừa đến nơi thì thấy tê bì mặt, miệng méo, một bên mắt không nhắm kín.
Trường hợp khác cũng vào khoa Y dược cổ truyền, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là người phụ nữ 37 tuổi, ngủ dậy thấy xuất hiện méo miệng, tê bì, mất cảm giác một bên mặt.
Liệt dây thần kinh số 7 có hai loại: Liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (do lạnh, số ít do viêm tai giữa, zona thần kinh).
Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, vào các thời điểm chuyển mùa, trời lạnh, số ca liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gia tăng. Mỗi ngày, khoa Khám bệnh đa khoa tiếp nhận tới hàng chục trường hợp.
Biểu hiện của liệt dây thần kinh số 7
Hầu hết các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 sẽ có các biểu hiện:
Miệng bên liệt khó mỉm cười, khó hoặc không thể khép lại, chảy dãi.
Khóe miệng, vùng trán bị dị cảm.
Tuyến lệ hoạt động không tốt, mí bị sụp, khô mắt, không thể nháy hoặc nhắm mắt.
Mặt bị xệ xuống hoặc hơi cứng bất thường, méo miệng lệch về một bên.
Rối loạn lời nói hoặc khả năng nhai nuốt.
Một bên mặt có cảm giác bị tê và yếu cơ hẳn đi.
Bị đau quanh góc hàm, xương chũm, thái dương, tai.
Vị giác bị thay đổi.
Nhạy cảm hơn với âm thanh.
Ở bên mặt bị liệt dễ bị đọng thức ăn, uống nước hay bị trào ra.
Điều trị liệt dây thần kinh số 7
Tùy vào thể trạng, tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ điều trị nội khoa, hoặc kết hợp ngoại khoa để mang lại hiệu cho bệnh nhân.
Với điều trị nội khoa, các loại vitamin thuộc nhóm B, thuốc kháng viêm, thuốc giãn mạch sẽ được các bác sĩ cân nhắc sử dụng. Ngoài ra, có thể dùng các thuốc chống virus đặc biệt cho những trường hợp có bệnh cảnh nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt.
Điều trị ngoại khoa với các phương pháp như: vật lý trị liệu, châm cứu, hồng ngoại, xoa bóp, bấm huyệt cùng với các bài tập cơ mặt…
Tùy từng trường hợp, nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Ngay khi có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7 cần đến bệnh viện ngay vì càng chữa sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao.
Cũng theo BS Nguyễn Tiến Dũng, một tháng đầu tiên kể từ sau khi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là giai đoạn tốt nhất để điều trị bệnh này. Càng để lâu, đặc biệt sau 3 tháng, bệnh nhân khó hồi phục hoàn toàn, mặt, miệng có thể bị lệch vĩnh viễn, thậm chí máy cơ với biểu hiện giật mặt.
Giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh mở cửa đột ngột để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
Phòng bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên như nào?
Để phòng bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, BS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo:
- Giữ ấm đầu, mặt, cổ.
- Khi trời rét tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt.
- Vào mùa nóng khi ngủ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt.
- Đối với những người làm việc và học tập ban đêm, không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa.
- Người già ban đêm không nên ra ngoài. Trẻ nhỏ ra ngoài trời cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
- Không tắm quá khuya, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
Theo Sức khỏe Đời sống