Ngày 2/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 bị can có liên quan về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi và làm giả, sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức. Đồng thời củng cố để khởi tố đối với hơn 16 đối tượng có liên quan như người mua trẻ sơ sinh, sử dụng giấy tờ giả để hợp thức hóa nguồn gốc các bé.
8 đối tượng bị khởi tố gồm: Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 1993, ngụ TP.HCM), Nguyễn Thị Mai (SN 1997, quê Tiền Giang), Chu Thị Cúc Phương (SN 1982, quê Khánh Hòa), Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 2001, quê Bạc Liêu), Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1989), Lê Thị Ngọc Thắm (SN 2000, quê Long An), Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1997, quê Bến Tre) và Châu Gia Hân (SN 2004, quê Đồng Tháp).
Qua lời khai của những người bị bắt, đã có 31 vụ mua bán trẻ sơ sinh thực hiện trót lọt. Tuy nhiên, do vụ án phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, những người mua và người bán đều giấu thông tin nên đến nay cơ quan công an mới tìm xác định được 7 vụ (7 bé sơ sinh bị bán).
Chuyên án này liên quan đến nhiều địa bàn trong nước như: Bình Dương, TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ…
Theo đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: "Đường dây mua bán trẻ sơ sinh này thực chất là những người môi giới kết nối những người bán không muốn nuôi con và những người mua hiếm muộn hoặc có lý do khác để mua bán sang tay kiếm lời".
Các Trinh sát đã phải theo dấu 2 tháng phá để có thể triệt phá đường dây mua bán trẻ em này. Bởi các đối tượng có hành tung bí ẩn, lực lượng trinh sát lại mỏng.
Theo điều tra, đầu tháng 7/2022, các trinh sát phát hiện tại Bệnh viện phụ sản nhi Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) xuất hiện một người phụ nữ thường xuyên tiếp cận những nhân viên, y tá, điều dưỡng bệnh viện phụ sản. Mục đích tiếp cận để lấy thông tin và chủ động tìm những phụ nữ đang mang thai đến khám hoặc những người phụ nữ mới sinh con tại bệnh viện nhưng không muốn nuôi con do hoàn cảnh khó khăn, lầm lỡ, hoặc lý do khác.
Người này sau đó đặt vấn đề xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh hoặc chuẩn bị sinh, hứa sẽ bồi dưỡng cho mẹ bé một khoản tiền nhất định.
Nhận định vụ việc có dấu hiệu của hành vi mua bán trẻ em, cơ quan công an đã lập chuyên án điều tra.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định người phụ nữ là Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 1993, ngụ TP.HCM). Như tham gia nhiều nhóm kín trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook về việc cho, tặng con nuôi với nhiều tài khoản và tên khác nhau.
Nguyễn Thị Ngọc Như thường xuyên đến các Bệnh viện phụ sản, phòng khám thai tư nhân hoạt động trên địa bàn Bình Dương, TP.HCM tiếp cận những nhân viên trong bệnh viện để lấy thông tin. Người này chủ động tìm những phụ nữ đang mang thai đến khám để đặt vấn đề xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh.
Sau khi mua trẻ sơ sinh, Nguyễn Thị Ngọc Như vào các hội, nhóm trên mạng xã hội để rao bán các bé với giá từ 35-60 triệu đồng. Kèm theo mỗi đứa trẻ là một bộ hồ sơ giả (giấy chứng sinh, giấy xác nhận AND, giấy khai sinh..) được Như bán với giá từ 30-40 triệu đồng/bộ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc các bé cho những người mua (nếu có nhu cầu).
Quá trình điều tra mở rộng đến nay, Ban chuyên án đã bắt giữ Chu Thị Cúc Phương (SN 1982, quê Khánh Hòa) và Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 2001, quê Bạc Liêu), mời làm việc thêm 16 người mua và người bán, tất cả đều thừa nhận hành vi phạm tội.