Người dân cần cảnh giác với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người

Lã Thị Thúy Hằng
Vì thiếu thông tin, lại nhẹ dạ, cả tin nên thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã dính “bẫy” bởi chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Nhiều người may mắn được các lực lượng chức năng của Việt Nam và Campuchia giải cứu hoặc được gia đình bỏ tiền chuộc.

Tính đến ngày 22/9, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 26 người dân bị dụ dỗ, lừa phỉnh sang làm việc tại Campuchia với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” trong đó có 15 trường hợp đã được các lực lượng chức năng giải cứu và gia đình bỏ tiền ra chuộc về với mức tiền từ 67 - 230 triệu đồng/người.

a2-1665410961.jpg

Lực lượng công an trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân trước các chiêu trò của loại tội phạm buôn người. Ảnh: Báo Lao động.

Sự thật bên kia biên giới

Theo thông tin trên Báo Lao động, anh T. (SN 1992), trú tại huyện Đắk Glong vừa được cơ quan chức năng giải cứu từ Campuchia trở về Việt Nam.

Theo anh T., đầu tháng 3/2022, anh lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm. Lúc này, một tài khoản Facebook đã giới thiệu, hướng dẫn anh làm việc trên máy tính cho một Công ty ở Campuchia. Đối tượng này đã mời chào anh T. với mức lương từ 800 đến 1.000 USD/tháng.

a1-1665410989.jpg

Công an tỉnh Đắk Nông tiếp nhận nhiều đơn cầu cứu của các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia. Ảnh: Công an Tp Đà Nẵng.

Ngày 16/3/2022, anh T. làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia (mọi chi phí do Công ty bên Campuchia chi trả). Khi đến Campuchia, anh T. được các đối tượng đưa đến làm việc ở một công ty do người Trung Quốc quản lý, điều hành.

Nhiệm vụ hàng ngày của anh T. là tư vấn, thu hút người chơi game, đánh bạc trực tuyến với hình thức lừa đảo người tham gia ở nhiều nước khác nhau.

"Sang bên đó, tôi và nhiều người khác bị ép buộc làm việc, không được trả lương và thường xuyên bị đánh đập. Làm việc được một tháng, tôi bị công ty bán cho công ty khác có hình thức kinh doanh tương tự.

Trước khi bán, công ty thông báo, nếu ai muốn về Việt Nam thì liên hệ gia đình đưa cho chúng khoảng 200 triệu đồng tiền chuộc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chuộc nên tôi phải làm việc cho công ty mới" - anh T. buồn bã.

Không chịu được cảnh làm việc cơ cực, bị đe dọa, đánh đập nên thông qua mạng xã hội anh T. đã nhờ các lực lượng chức năng của Campuchia và Việt Nam đến giải cứu thành công cùng với 4 người khác.

Tương tự, tháng 4/2022, cũng thông qua mạng xã hội Facebook, anh H. (SN 2006) ở huyện Tuy Đức được một đối tượng giới thiệu đi làm quán game ở thành phố Hồ Chí Minh với mức lương 20 triệu đồng/1 tháng.

Sau đó, anh H. rủ thêm anh C. (SN 2005), người cùng xã xuống thành phố Hồ Chí Minh làm việc theo thỏa thuận. Sau đó, hai người được các đối tượng đưa xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

Tại đây, hai người được bố trí làm việc tại một công ty kinh doanh online của người Trung Quốc. Hàng ngày, H. và C. bị cưỡng bức lao động, ngược đãi, không trả lương nếu không đạt doanh thu theo yêu cầu.

Không chịu nổi công việc, anh H. và C. xin về Việt Nam nhưng công ty yêu cầu trả tiền chuộc với mức 110 triệu đồng/người. Sau khi gia đình gửi tiền cho chúng vào số tài khoản thì anh H. và C, được đưa đến cửa khẩu Mộc Bài để trở về Việt Nam.

Nhiều người sập bẫy

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Nông, tính đến cuối tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh có 26 người bị lừa sang Campuchia làm việc. Hiện có 15 người đã được các lực lượng chức năng giải cứu hoặc gia đình bỏ tiền chuộc về với mức giá từ 67 - 230 triệu đồng/người.

Bước đầu, lực lượng chức năng nhận định có đường dây lừa bán lao động trái phép qua Campuchia bằng các đường tiểu ngạch.

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, chủ yếu sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook để làm công cụ.

Các đối tượng lập nhiều tài khoản ảo, dùng công dân Việt Nam bị dụ dỗ, ép buộc xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia nhắn tin về nước tìm kiếm “con mồi” thông qua chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Ngoài ra, chúng còn dụ dỗ người tham gia các trò chơi trực tuyến sau đó chiếm đoạt tiền của người chơi.

Các đường dây dụ dỗ, cưỡng ép công dân Việt Nam xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia có sự phân công thành nhiều khâu. Các đối tượng trong từng khâu không hề hay biết nhau.

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Văn Phương, trước tình trạng trên, Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và lực lượng công an trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm buôn người thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin những lời dụ dỗ, lừa phỉnh của kẻ xấu...

L.Hằng