Trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn có thai ngoài ý muốn

Lã Thị Thúy Hằng
Những định kiến và sự e ngại này trở thành rào cản hành trình người trẻ tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục và dẫn đến những hậu quả tiêu cực như mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn.

Theo nghiên cứu về hành vi sức khỏe học sinh do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện, trong 6 năm, tỉ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp hai lần, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019. Trong số học sinh từng quan hệ tình dục, hơn 42% có sử dụng bao cao su và 44% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với năm 2013.

Một nghiên cứu khác của Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) ước tính có trên 10% nữ giới Việt Nam chưa kết hôn (trong độ tuổi từ 15-24) đã từng ít nhất một lần mang thai ngoài ý muốn.

a2-1660520209.jpg

Việc giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục chưa theo kịp tình hình thực tế ở giới trẻ

Tại chương trình "Phá bỏ định kiến và kiến tạo bình thường mới cho chủ đề sức khỏe sinh sản thanh thiếu niên" vừa diễn ra, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, nhận định quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn ở vị thành niên, thanh niên vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, tại các khu công nghiệp tập trung.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Lê Hoa, Giám đốc Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI), cho biết những định kiến và sự e ngại trở thành rào cản khiến người trẻ không được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tình dục.

Với khoảng 22 triệu người trong độ tuổi từ 10-24, những định kiến và sự e ngại này trở thành rào cản hành trình người trẻ tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục và dẫn đến những hậu quả tiêu cực như mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn.

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), dù xã hội thay đổi, quan điểm về tình dục đã cởi mở hơn nhưng theo thanh niên vẫn đang thiếu quyền và sự đồng thuận trong quan hệ tình dục, yếu tố quan trọng để có một mối quan hệ hạnh phúc.

TS Hồng chia sẻ, bà từng nghiên cứu về hành vi phá thai của vị thành niên, có gặp nhiều bạn gái đi phá thai hoặc bạn trai đưa bạn gái đi phá thai và phát hiện ra một điều chua xót. "Đó là khi tôi hỏi các bạn gái đó về các biện pháp tránh thai, họ kể vanh vách. Nhưng tôi hỏi tại sao không tránh mà lại để mang thai ngoài ý muốn thì các bạn gái nói rằng "không dám nói với bạn trai vì sợ bị đánh giá từng trải, thành thạo, kinh nghiệm". Điều này cho thấy giữa bạn trai và bạn gái không có sự trao đổi và đồng thuận trong quan hệ tình dục, không có sự thông cảm, cởi mở. Các bạn trai không chia sẻ trách nhiệm tránh thai với bạn gái"- bà Hồng nói.

Ông Phạm Vũ Hoàng cũng cho rằng việc giáo dục về sức khỏe sinh sản - tình dục tại Việt Nam còn nhiều khoảng trống và chưa theo kịp tình hình thực tế ở giới trẻ. Hơn nữa, việc cung cấp dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản, tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên.

Từ thực tiễn này nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng các hoạt động can thiệp nhằm tăng cường tư vấn và cung ứng dịch vụ sức khoẻ sinh sản cho thanh thiếu niên. Triển khai thí điểm và mở rộng chương trình giáo dục cho nam, nữ trước khi kết hôn. Tổ chức các sự kiện thanh nhằm khuyến khích thanh niên nên kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ hai con trước 35 tuổi...

T.Hằng