Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh đạt được nhiều thành tích nổi bật |
HAI VỢ CHỒNG CÙNG HIẾN MÁU
Trong căn nhà nhỏ của anh Vũ Thế Tùng và chị Bùi Thị Lý (Phường 2, TP Bảo Lộc) lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười và sự lạc quan. Đó là niềm vui mà anh chị dành cho cô con gái nhỏ đang mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia khi chỉ vừa lên 3 tuổi. Suốt 9 năm qua, anh Tùng và chị Lý không biết bao nhiêu lần nuốt nước mắt vào lòng khi chứng kiến con đau đớn trong những lần truyền máu.
Cô bé 12 tuổi dường như vì thế mà cũng trông gầy gò hơn bạn bè đồng trang lứa. Hiện nay, căn bệnh này vẫn chưa có cách điều trị triệt để. Anh Tùng kể, hàng tháng, con gái anh phải truyền máu tại Bệnh viện II Lâm Đồng, cứ 3 tháng phải xuống TP Hồ Chí Minh lọc máu 1 lần, đào thải sắt từ quá trình truyền máu trước đó. Không chỉ tốn kém khá nhiều chi phí mà còn ảnh hưởng đến việc học của con và công việc của hai vợ chồng.
Kinh tế gia đình gặp còn nhiều khó khăn bởi căn bệnh của cô con gái nhỏ nhưng vợ chồng anh Tùng luôn động viên nhau phải cố gắng, để trở thành chỗ dựa vững chắc cho con. Ở Bảo Lộc, vợ chồng anh cũng thường xuyên tham gia các đợt công tác xã hội, từ thiện do địa phương phát động. Cũng không phải do con gái mắc căn bệnh hiểm nghèo về máu anh chị mới tham gia hiến máu mà từ khi còn là thanh niên, anh chị đã không ngần ngại chia sẻ tấm lòng của mình.
“Có những ngày thường xuyên ở bệnh viện mới thấy có rất nhiều người đang phải chiến đấu với bệnh tật cần được truyền máu. Các cơ sở y tế cũng cần có nguồn máu dự trữ để kịp thời cung cấp cho các bệnh nhân khi cần. Trên tất cả thì vợ chồng mình tự nguyện muốn sẻ chia với cộng đồng trong chính khả năng của mình. Mình nghĩ rằng sẽ có ai đó, có thể như con mình hay ở ngoài kia thì cũng rất cần nhận được những giọt máu trong những lúc ốm đau, sẻ chia nghĩa tình của con người với nhau”, anh Tùng chia sẻ.
Anh cũng là thành viên Câu lạc bộ Vận động hiến máu tình nguyện của phường B’lao, thường xuyên tham gia vận động hiến máu, huy động nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho bệnh viện, xây dựng cửa hàng 0 đồng. Nhận được kỷ niệm chương của Ban Chỉ đạo hiến máu, anh chị nói rằng đã vô cùng hạnh phúc, bởi những đóp góp nhỏ bé của mình được ghi nhận. Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ TP Bảo Lộc, anh chị đã lần lượt hiến 27 và 30 đơn vị máu cho địa phương.
“Chắc hẳn những gia đình nào có người thân mắc bệnh tan máu bẩm sinh mới thấm thía những giọt máu quý giá đến cỡ nào. Mình không mong nhận lại gì nhiều, chỉ mong sẽ không có nhiều người phải chịu nỗi đau như gia đình mình”, anh Tùng nói.
Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen, kỷ vật tôn vinh cho gia đình ông Lê Quang Hùng và anh Vũ Thế Tùng. Ảnh: Diệu Hiền |
VÌ PHONG TRÀO HIẾN MÁU CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Từ quê hương Quảng Trị vào lập nghiệp nơi mảnh đất xa xôi, gia đình ông Lê Quang Hùng (Thôn 1, xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh) không chỉ đóng góp cho sự phát triển của quê hương bằng việc tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động, chăm lo làm ăn kinh tế mà còn dành những giọt máu trân quý của mình cho những trường hợp cần thiết, cứu chữa người tại địa phương.
Kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng được ông đặt một cách trang trọng ngay chính giữa ở phòng khách. Bởi với ông, đó là một trong những niềm vui, niềm tự hào vì cả gia đình đã làm những việc có ích, đóng góp cho xã hội.
Ông Hùng kể, ngày trước, việc vận động bà con tham gia hiến máu thì còn khó khăn chứ thời gian gần đây, nhờ công tác tuyên truyền từ chính quyền các cấp, các ngành thì đa phần người dân cũng đã hiểu được những lợi ích và ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện và tích cực tham gia.
Bản thân ông Hùng cũng chỉ nhớ mang máng, rằng mình đã hiến máu từ năm 2006. Cũng như hầu hết những người khác, ông chẳng bao giờ đong đếm số đơn vị máu đã cho đi, bởi ông cho rằng việc đó suy ra cũng chẳng quan trọng. Quan trọng hơn cả là liên tục hơn 17 năm nay, bất cứ lúc nào có cơ hội và đủ điều kiện, ông đều không chần chừ.
Từ năm 2011, khi bắt đầu công tác ở vị trí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Triệu Hải, ông luôn trăn trở làm sao để người dân trong thôn, trong xã hiểu được những lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia hiến máu. Nhiều trường hợp thiếu máu đột xuất cần phải huy động từ một vài đến cả chục đơn vị máu, khi đó ông càng thấu hiểu hơn tình cảm mà mọi người dành cho nhau.
Nhờ đó mà ở xã Triệu Hải, chẳng riêng gì gia đình ông Hùng mà hầu hết các gia đình đều có người tham gia hiến máu. Nhiều lần chứng kiến các gia đình chở nhau đi hiến máu, ông cũng cảm nhận lây niềm hạnh phúc. Cũng chính vì thế mà nhiều năm liền, xã Triệu Hải là một trong những đơn vị đi đầu trong việc vận động toàn dân tham gia hiến máu ở huyện Đạ Tẻh. Riêng gia đình ông đã có 42 đơn vị máu được ghi nhận đã đóng góp cho địa phương.
Ông Hùng cũng là thành viên của Ngân hàng máu sống của huyện Đạ Tẻh. Ông vẫn nhớ không ít lần bị đánh thức bởi những cuộc gọi lúc nửa đêm từ Trung tâm Y tế. Lúc đó, ông cũng chẳng ngại ngần tới bệnh viện ngay, trực chờ bên ngoài để kịp thời hiến máu khi cần. “Cũng vài lần như thế nhưng chưa lần nào phải hiến máu. Đó là điều may mắn bởi không có trường hợp nguy cấp xảy ra. Chúng tôi cùng nhau trở về trong niềm vui và cầu mong mọi điều sẽ bình an như thế”, ông Hùng kể lại trong niềm vui.
Vợ chồng ông Lê Quang Hùng tự hào khoe với mọi người về Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam |
TỪ MỘT GIA ĐÌNH SẼ THÀNH CẢ XÃ HỘI
Ông Nguyễn Lý Trí - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đạ Tẻh cho biết, không riêng gia đình ông Lê Quang Hùng mà ở Đạ Tẻh đã có rất nhiều gia đình có truyền thống hiến máu tình nguyện và được nhận bằng khen của tỉnh, của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đó chính là những tấm gương sáng giữa đời thường, truyền cảm hứng để phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương ngày càng phát triển.
Còn ông Nguyễn Hoàng Minh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, bản thân ông rất vui mừng vì vào những dịp gặp gỡ các gia đình có thành tích hiến máu tiêu biểu, ông được gặp lại những gương mặt thân quen. Điều đó chứng tỏ rằng ngoài việc sức khỏe của mỗi cá nhân còn rất tốt thì các gia đình vẫn giữ được thói quen tốt đẹp để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Theo ông Minh, từ mỗi cá nhân, đến các gia đình, sau đó sẽ trở thành một phong trào lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội. Những gia đình hiến máu tình nguyện chính là hạt nhân nòng cốt và ổn định trong phong trào hiến máu tình nguyện của các địa phương. Đặc biệt, câu chuyện về những gia đình tích cực tham gia hiến máu sẽ góp phần làm cho công tác tuyên truyền về phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng có đông đảo mọi người tham gia, vì lợi ích cho sức khỏe của bản thân và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.