Phát hiện và điều trị sớm tràn dịch khớp gối sẽ tránh biến chứng nguy hiểm

Lã Thị Thúy hằng
Tràn dịch khớp gối là hiện tượng lượng dịch trong khớp gối tăng bất thường. Tình trạng này khiến người bệnh đau và vận động khó khăn, có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu như không điều trị kịp thời.

Dịch trong ổ khớp là thành phần đặc biệt có tác dụng bôi trơn và giảm ma sát cũng như nuôi dưỡng các sụn trong khớp. Khi lượng dịch trong khớp gia tăng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối gây hạn chế vận động hay thậm chí phá hủy khớp,...

a2-1657967297.png

Chấn thương là một trong những nguyên nhân dẫn đến tràn dịch khớp gối.

1. Một số nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối là hiện tượng lượng dịch trong khớp gối tăng bất thường. Tình trạng này khiến người bệnh đau và vận động khó khăn, có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu như không điều trị kịp thời. Một số nguyên nhân thường gặp của tràn dịch khớp gối gồm có:

• Mắc một số bệnh lý mạn tính có thể dẫn đến tràn dịch khớp gối như thoái hóa khớp, nhiễm trùng khớp, rối loạn đông máu, bệnh gout hoặc viêm khớp dạng thấp...

• Chấn thương: Những va đập ở khớp gối do tai nạn, rách sụn chêm khớp gối, đứt các dây chằng khớp gối, ngã, lao động nặng, tập luyện thể thao quá mức… đều có thể là nguyên nhân khiến tràn dịch khớp gồi.

• Nhiễm khuẩn: Nếu bạn chọc hút dịch khớp nhiều lần có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Trường hợp nhiễm khuẩn sẽ phá hủy khớp và có thể ảnh hưởng đến toàn thân của người bệnh. Do vậy, nếu bị chấn thương đầu gối, cần nhận biết tràn dịch khớp gối sớm để phát hiện và chữa trị sớm.

2. Dấu hiệu nhận biết khớp gối tràn dịch

Những người thừa cân, béo phì do trọng lượng cơ thể quá nặng đè ép lên phần sụn khớp gối. Tình trạng này kéo dài khiến phần gối chịu áp lực quá lớn mà dần bị tổn thương sụn và tràn dịch khớp gối.

Các dấu hiệu cơ bản nhận biết khớp gối tràn dịch:

• Nổi mẩn đỏ kèm sưng và phù nề.

• Vận động khó khăn nhất là khi đi lại, hoặc khó gấp duỗi.

• Đau.

Tràn dịch khớp gối ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm mà không gây nhiều biến chứng. Nhưng thực tế, nhiều người bệnh do chủ quan với tình trạng bệnh của mình khiến bệnh trạng khi đến các cơ sở y tế đã ở mức độ trầm trọng. Khi đó, ngoài việc gây hạn chế vận động khớp gối do tình trạng sưng viêm, các biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng khớp do chọc hút dịch khớp nhiều lần hoặc thậm chí là phá hủy khớp, nguy cơ tàn tật cao.

3. Điều trị và dự phòng tràn dịch khớp gối

Việc điều trị tràn dịch khớp gối phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn của bệnh để có những phương pháp điều trị cụ thể. Thường thì có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh khi có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và thuốc kháng viêm corticosteroid uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối.

Ngoài ra, có thể chọc hút, nội soi khớp giúp chẩn đoán và điều trị các tổn thương

Trong khi điều trị, bệnh nhân cần:

• Nghỉ ngơi.

• Tránh đi lại nhiều

• Chườm đá và kê cao chân sẽ giúp tuần hoàn phía chi dưới được thuận lợi và giảm sưng nề.

• Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý mạn tính

Song song với các biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc như trên, thì chế độ ăn uống của người bệnh cũng giúp bệnh thuyên giảm.

Bệnh nhân nên ăn các thực phẩm:

• Chứa nhiều omega-3. omega-3 có vai trò giúp cơ thể phản ứng với chứng viêm bằng cách can thiệp vào các tế bào chuyên biệt trong các chuỗi sinh hóa này. Các axit béo omega -3 trong cá (hồi, ngừ, thu, các loại cá béo) có thể giúp ngăn chặn tình trạng viêm trước khi thực sự làm tổn thương các khớp.

• Bổ sung dầu cá còn có thể giúp bảo vệ các khớp khỏi sự phân hủy sụn hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của tiến trình lão hóa sụn theo tuổi tác.

• Ăn trái cây và rau quả có chứa chất xơ, chất chống oxy hóa, chất béo không hòa tan

• Bổ sung Vitamin A, C và K: Rau bina, bông cải xanh và các loại rau… giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do cũng như chứa hàm lượng canxi cao, góp phần vào sức khỏe của xương.

• Các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là nhóm sữa ít chất béo có thể mang lại một số lợi ích cho những người bị viêm khớp gối và phản ứng tràn dịch khớp gối.

Bệnh nhân nên kiêng ăn gì?

• Kiêng đường, muối. Không nên lạm dụng và ăn quá nhiều.

• Đồ ăn nhanh, nướng. Các đồ ăn này chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa là yếu tố thúc đẩy gây viêm.

• Hạn chế dùng dầu ngô và dầu hướng dương trong nấu ăn.

• Kiêng rượu bia, các chất kích thích.

Thúy Hằng