Nghiên cứu do Viện quan sát Trái Đất Singapore, Đại học New Mexico, Viện Kỹ thuật Zurich và Phóng thí nghiệm phản lực NASA tiến hành cho thấy các thành phố ở Đông Nam Á đang có tốc độ sụt lún so với mực nước biển nhanh nhất thế giới.
Ảnh vệ tinh 48 thành phố ven biển toàn cầu giai đoạn 2014-2020 cho thấy tốc độ sụt lún trung bình là 16,2 mm mỗi năm. Một số thành phố thậm chí lún xuống tới 43 mm mỗi năm. Trong khi đó, nước biển dâng với tốc độ 3,7 mm mỗi năm.
Tại Đông Nam Á, TP.HCM đang lún xuống với tốc độ 16,2 mm mỗi năm, gấp khoảng 4 lần so với Jakarta của Indonesia (lún 4,4 mm/năm). Khai thác nước ngầm là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng này. Đồng thời, việc quá nhiều tòa nhà cao tầng tập trung tại khu vực có nền đất yếu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún.
Các thành phố ven biển Đông Nam Á đang là trung tâm quá trình đô thị hóa. Dân số tăng dẫn tới nhu cầu khai thác nước ngầm, điều này khiến hiện tượng đất nền sụt lún diễn ra nhanh hơn.
Cùng với hiện tượng mưa lớn cực đoan, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, hiện tượng sụt lún đất có thể dẫn đến tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên, trầm trọng và kéo dài hơn trong những năm tới.
"Lũ lụt có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, phá hoại tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cực đoan, lũ lụt thường xuyên có thể ảnh hưởng tới sinh kế của người dân khi chúng phá hoại đất nông nghiệp, khiến người dân phải chuyển đi nơi khác", Cheryl Tay, một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết.
Trên thực tế, tại TP.HCM, tình trạng sụt lún đang ở mức báo động với độ sụt lún trung bình khoảng 2-5cm mỗi năm, có nơi đến 7-8cm, gây ngập nước thường xuyên và mất an toàn cho người dân.
Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp quyết liệt, thành phố sẽ có nguy cơ “chìm” dưới mực nước biển trong tương lai gần.
Ghi nhận tại hẻm 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, sau vài năm, chân bức tường xung quanh một tòa nhà cao tầng đã bị “hở hàm ếch” do đất lún, chân tường lệch với mặt đất khoảng 30cm.
Người dân nơi đây cho biết khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây vốn không lún nhưng từ khi thi công nâng đường mỗi khi mưa lớn lại bị ngập, nước ngập tạo thành xoáy nước mạnh cuốn theo đất bên dưới làm nền đất sụt lún. Nhiều người dân lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài, một thời gian nữa nền móng của các công trình cao tầng xung quanh không có chỗ bám sẽ nghiêng đổ, rất nguy hiểm.
Tại nhà ông Nguyễn Văn Út trên đường Lê Tấn Bê, phường An Lạc, quận Bình Tân, ngày càng xuất hiện nhiều mảng tường bị nứt, xé chạy dọc do đất lún. Theo ông Nguyễn Văn Út, nhà ông vốn xây kiên cố nhưng vài năm gần đây nền đất liên tục sụt lún khiến ông phải nhiều lần đổ đất đá bồi cao nền lên. Có thời điểm, ông nâng nhà cao hơn mặt đường 0,5m nhưng chỉ vài năm sau lại bị sụt lún trở lại gần sát mặt đường.
“Nhà tôi lúc mới xây đổ móng rất kiên cố nhưng giờ đây chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhà nghiêng hẳn sang một bên. Nhiều năm qua, chúng tôi bỏ rất nhiều tiền ra sửa chữa nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy,” ông Nguyễn Văn Út chia sẻ. Xung quanh khu vực nhà ông có nhiều nhà bắt đầu xuất hiện tình trạng nền lún, nứt tường. Nhiều hộ dân chủ động đổ đất đá để nâng mặt nền lên.
Phường An Lạc, quận Bình Thạnh có diện tích 4,59km2 nằm ở cửa ngõ phía Tây Thành phố Hồ Chí Minh, là địa phương bị sụt lún 81,4cm trong hơn 10 năm qua - mức lún nghiêm trọng nhất khu vực phía Nam (theo kết quả quan trắc Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, công bố năm 2019).
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt lún từ khoảng năm 2002 tại một vùng nhỏ thuộc quận 6 và quận Bình Thạnh. Ban đầu chỉ có vài điểm nhỏ bị biến dạng trên một số tuyến đường nhưng đến nay tình trạng lún mặt đất đã lan rộng khắp địa bàn.
Giai đoạn 2002-2010, nền đất của Thành phố Hồ Chí Minh không phát triển nhiều vùng lún mới nhưng độ lún tăng nhanh tại quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh với giá trị cao nhất lên đến 309mm. Từ năm 2011, khu vực trung tâm thành phố tương đối ổn định, vùng lún chủ yếu xuất hiện tại Nhà Bè, Bình Chánh nhưng trong vài năm trở lại đây, vùng lún lan dần vào các quận trung tâm thành phố.
Thạc sỹ Nguyễn Phát Minh, nguyên Trưởng bộ môn Địa chất Thủy văn-Địa chất công trình-Địa chất môi trường thuộc Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay nguyên nhân chính gây sụt lún tại Thành phố là do phát triển đô thị ồ ạt trên nền đất yếu. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị mới, trong đó nhiều khu vực chịu ảnh hưởng bởi chế độ bán ngập triều, có độ rỗng trong tầng địa chất phía trên rất lớn.
Theo thời gian có thể tính bằng hàng trăm năm, nền địa chất sẽ nén chặt lại gây ra hiện tượng lún. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị, xây dựng nhà cửa, đường giao thông tại Thành phố trong nhiều năm qua đang thúc đẩy quá trình lún diễn ra nhanh hơn.
PV