Nền đất tại TP.HCM bị sụt lún trung bình khoảng 2 cm mỗi năm, có nơi đến 6 cm. Trong gần 30 năm qua, TP.HCM đã bị thấp đi khoảng nửa mét. Lún đất dẫn đến đô thị 10 triệu dân đối mặt với ngập lụt thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng đưa ra báo cáo chất lượng nguồn nước khai thác dưới đất ở thành phố hiện nay chưa đạt chỉ tiêu an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Ông Trần Nguyên Hiền - trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường - cho biết nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và sụt lún đất, TP đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn đến năm 2025.
"Sau hơn bốn năm, TP đã thực hiện giảm từ 716.581 m3/ngày xuống còn 264.581 m3/ngày", ông Hiền nói. Bên cạnh việc ban hành các kế hoạch phối hợp thực hiện với các đơn vị thực hiện lộ trình giảm khai thác nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường còn đề xuất một số giải pháp khác, cụ thể:
Đối với nhóm đối tượng sử dụng nước dưới đất là hộ gia đình: Sở đã phối hợp với các đơn vị khảo sát từng khu vực để lắp đặt đồng hồ nước sạch cho người dân sử dụng. Đẩy nhanh công tác phát triển mạng lưới cấp nước, đảm bảo áp lực và chất lượng nước sạch nhằm khuyến khích người dân sử dụng.
Đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài KCX-KCN có nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất, chỉ xem xét cấp phép ngắn hạn cho các đơn vị có hoạt động sản xuất đặc thù (ngành nhuộm, giải khát...) và những nơi có nguồn nước cấp không đủ về áp lực.
Đối với Sawaco, TP giao tổng công ty nghiên cứu nâng công suất và hiện đại hóa các nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch, giảm tỉ lệ thất thoát nước.
Sở chỉ xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt đối với những khu vực chưa đưa được nguồn nước mặt từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai về hệ thống xử lý nước sạch.