Giảm khai thác nước dưới đất
Theo Sở TN&MT TP.HCM, ngay sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành, TP.HCM tiến hành phổ biến, tuyên truyền, tập huấn Luật và các quy định liên quan kịp thời, đầy đủ đến các đơn vị, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân...
Đồng thời , UBND TP.HCM đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quy định, đề án, hướng dẫn quy định chỉ tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Từ đó, góp tạo cơ sở pháp lý đề đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước vào nề nếp; khai thác, sử dụng hiệu quả tải nguyên nước, gắn liền với bảo vệ, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, ngăn ngừa các nguy cơ khác từ khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Đặc biệt, từ khi triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2012, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, nước sinh hoạt và hạn chế khai thác nước dưới đất. Từ năm 2018 -2022, TP.HCM đã giảm mạnh lượng khai thác nước dưới đất từ 716.581m3/ngày đêm xuống còn 264.581m3/ngày đêm. Trong đó, lượng khai thác nước ngầm hộ gia đình ước giảm còn 235.703m3/ngày đêm; lượng khai thác nước ngầm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805m3/ngày đêm; lượng khai thác nước ngầm bên ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất (không phải hộ gia đình) giảm 145.220m3/ngày đêm…
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TPHCM, mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày đêm và tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm. Theo đó, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp các quận, huyện, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện.
Ngoài ra, Sở TN&MT cũng phối hợp cùng Sở Tài chính, Cục Thuế Thành phố tham mưu cho UBND Thành phố ban hành quyết định liên quan đến giá tính thuế tài nguyên nước, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thuế tài nguyên nước, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định…
Tất cả các hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nước sạch
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đảm bảo cung cấp nước an toàn trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp; đồng thời tất cả người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo đều được sử dụng nguồn nước sạch.
Theo đó, để kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt, nhất là tại các khu vực phục vụ công tác cấp nước, TP.HCM đã tập trung công tác quan trắc chất lượng môi trường nguồn nước. Theo đó, từ năm 2016, Sở TN&MT đã tham mưu UBND Thành phố phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, TP.HCM đã và đang triển khai công tác quan trắc định kỳ tại 22 vị trí quan trắc nước sông, 80 vị trí quan trắc nước kênh rạch, 14 vị trí quan trắc nước dưới đất. Những thông tin về chất lượng môi trường sẽ được công bố lên bản tin chất lượng môi trường thành phố định kỳ hằng tháng.
Sở TN&MT cũng yêu cầu Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn có giải pháp đảm bảo chất lượng, áp lực nước cung cấp cho người dân; có kế hoạch đầu tư, lắp đặt đường ống cấp nước cấp 2, cấp 3 tại một số khu vực chưa có mạng lưới, mạng cấp nước chưa hoàn chỉnh, áp lực nước chưa ổn định...;lắp đặt thí điểm các công trình cung cấp nước uống tại vòi ở các nơi công cộng như công viên, quảng trưởng, bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, các đơn vị này cần thường xuyên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) kiểm tra mẫu nước ngay tại nhà máy sản xuất, hộ nhà dân và trên hệ thống mạng lưới cấp nước.
Đặc biệt, trong thời gian qua, UBND TP.HCM đã yêu cầu các công ty cung cấp nước sạch thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận nước sạch, như: gắn đồng hồ nước miễn phí cho người dân; thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng nước cho người dân nghèo, cận nghèo để giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo sức khỏe. Chỉ tính riêng Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, trong 2 năm 2020- 2021, đơn vị này đã gắn đồng hồ nước miễn phí cho người dân với tổng số tiền lên tới 300 tỷ đồng; miễn, giảm tiền sử dụng nước cho các hộ nghèo, cận nghèo lên tới hàng chục tỷ đồng.