Bảo vệ môi trường và cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới là điều cần thiết

Nguyễn Diệp Linh
Nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, quyết định sự tồn vong của một Quốc gia - dân tộc. Do đó, cần thực hiện hiệu quả nội dung bảo vệ nguồn nước, để có nguồn cấp nước sạch nông thôn hợp vệ sinh an toàn, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo ra môi trường sống bền vững.

 

Nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, quyết định sự tồn vong của một Quốc gia - dân tộc (ảnh một công trình nước sạch phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng).

Nước là nguồn sống của mọi con người, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, quyết định sự tồn vong của một Quốc gia - dân tộc (ảnh một công trình nước sạch phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng).

Mới đây ngày 2/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký quyết định số 925/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025".

Theo quyết định, Chương trình đặt mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Qua đó, Chương trình phấn đấu tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn…

Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp. 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.

Chương trình phấn đấu ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; có 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Nguồn nước cực kỳ quan trong trong đời sống sinh hoạt của con người (học sinh một trường học trên địa bàn huyện Yên Bình, Yên Bái đang sử dụng nước sạch).

Nguồn nước cực kỳ quan trong trong đời sống sinh hoạt của con người (học sinh một trường học trên địa bàn huyện Yên Bình, Yên Bái đang sử dụng nước sạch).

100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Đối với cấp nước sạch nông thôn, Chương trình sẽ hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có; xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước…

Trước đó, Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày đến năm 2030. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân…

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.

Nước có tầm quan trọng trong mọi mặt của đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Do đó, cần phải xây dựng chiến lược khai thác nguồn nước hài hòa với nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm.

Theo Sức khỏe Đời sống