Tổng cục thuế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau dịch Covid-19

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hậu Covid-19, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế phải ưu tiên hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Chiều ngày 10/6, Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hậu Covid-19 do Tổng cục thuế chủ trì đã được diễn ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Sau khi nghe báo cáo của các vụ, đơn vị của Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương về tình hình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, do đó cũng ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách của cơ quan thuế.

Xử lý nghiêm cán bố nhũng nhiễu doanh nghiệp

Lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính khi thi hành công vụ của công chức thuế, nhất là những công chức thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm kỷ cương, kỷ luật của ngành.

Đồng thời sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, cố tình gây phiền hà, sách nhiễu tổ chức và cá nhân nộp thuế dưới các hình thức như đình chỉ công việc, đưa vào diện tinh giảm biên chế.

Cụ thể, theo báo cáo, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đạt 502.606 tỷ đồng, bằng 40,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2019. Về tổng thể, thu 5 tháng tiến độ thu vẫn đạt 40,1%, tương đương mức thực hiện năm 2019.

Thực tế, tiến độ thu cao chủ yếu là do có một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019, theo quy định các doanh nghiệp kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020 như: Thu từ dầu thô đạt 55,6% dự toán; cổ tức, lợi nhuận còn lại đạt 51,3%; thu xổ số kiến thiết đạt 58% dự toán...

 “Nếu loại trừ các khoản thu trên, thu nội địa lũy kế 5 tháng mới đạt được 36,3%, thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ. Năm 2016 thu đạt 40,6% mức thu cả năm, tăng 12,1% so cùng kỳ; năm 2017 tỷ lệ này tương ứng đạt 40,6%, tăng 10%; năm 2018 đạt 41,7%, tăng 13,6%; năm 2019 đạt 42%, tăng 15,5%; năm 2020 đạt 36,3%, giảm 7,7%” - ông Cao Anh Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, qua theo dõi diễn biến thu qua các tháng, số thu giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4, tháng 5. Cụ thể thu tháng 1 tăng 18,2%, trong đó số thu nội địa trừ đất, cổ tức, xổ số (thu từ thuế phí) tăng 7,2%; tháng 2 tăng 13,4%; tháng 3 tăng 11,7% (thuế phí tăng 2,4%); tháng 4 thu chỉ bằng 78,5% (thuế phí chỉ bằng 70,2% cùng kỳ); tháng 5 thu chỉ bằng 66,1% (thuế phí chỉ bằng 70,3%).

1
Ông Cao Anh Tuấn (đứng) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến chiều 10/6. Ảnh: NM/Thời báo tài chính

Báo cáo cũng cho thấy, mức thu sụt giảm diễn ra nhanh ở hầu hết các địa phương và tập trung ở các khoản thu, sắc thuế lớn, có kỳ khai thuế tháng như: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN.

Tính đến hết tháng 5/2020, thu ngân sách tại hầu hết các địa phương đều đạt thấp cả về tiến độ và tốc độ, do ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, đặc biệt là trong thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội và việc thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.

Báo cáo thể hiện có tới 42/63 địa phương thu nội địa (không kể đất) giảm thu so cùng kỳ năm trước như: Lai Châu bằng 62,9%; Quảng Nam bằng 66,4%; Sơn La bằng 69,7%; Quảng Ngãi bằng 73%; Ninh Thuận bằng 73,1%; Khánh Hòa bằng 74,4%...

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến số thu sụt giảm, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, có 2 nguyên nhân chủ yếu là do DN gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giảm thu do chính sách (tác động của Nghị định 100 về hạn chế uống rượu bia khi tham gia giao thông, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41).

Trước khó khăn này, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các vụ, đơn vị của Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương cần tăng cường công tác hỗ trợ người nộp thuế để đảm bảo các nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho DN, cá nhân thực sự đi vào cuộc sống.

“Để các chính sách hỗ trợ DN, người nộp thuế vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 đi vào cuộc sống hơn nữa, cơ quan thuế các cấp cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 84/NQ-CP... của Chính phủ tới toàn thể người nộp thuế” - ông Cao Anh Tuấn nói.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, đảm bảo mọi người nộp thuế tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để người nộp thuế thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho người nộp thuế.

Thực hiện nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn theo nhiều phương pháp như: cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, Cổng Dịch vụ công quốc gia, đường bưu điện và tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế, đảm bảo hệ thống CNTT vận hành thông suốt 24/7.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũngyêu cầu các vụ, đơn vị khẩn trương hoàn thành và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị quyết 94 về xử lý nợ thuế, đưa Thông tư vào cuộc sống từ 1/7/2020 để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, đồng thời cũng làm giảm số nợ của ngành Thuế xuống (dự kiến khoảng 16.000 tỷ đồng).

Cơ quan thuế các cấp cũng kiên quyết cưỡng chế, thu hồi nợ thuế đối với những DN chây ỳ, cố tình khai man được gia hạn thuế để đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, tạo môi trường tốt cho hoạt động kinh doanh của DN.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác kiểm tra thuế tại bàn, không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ.

“Lưu ý là không thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế tại các DN bị thiệt hại do dịch bệnh; chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các DN có rủi ro thấp. Tập trung kiểm tra tại cơ quan thuế, tăng cường sử dụng các hình thức báo cáo, làm việc, kiểm tra doanh nghiệp qua hình thức trực tuyến” - ông Tuấn chỉ đạo.

Hải An