“Trường Sa trong trái tim tôi”
Năm 2014, nhà báo Nguyễn Tiến Luyến được cơ quan giao nhiệm vụ tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Lúc này đúng vào thời điểm Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan cùng các tàu hộ tống vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù đang trong tình hình căng thẳng nhưng anh vẫn nhận nhiệm vụ lên đường.
Gần nửa tháng xa nhà đi tác nghiệp ở đảo, lần này trở thành chuyến đi đặc biệt đã mang lại nhiều cảm xúc nhất trong suốt hơn 20 năm công tác của anh. Không chỉ là kỷ niệm những ngày ở Trường Sa giữa lúc biển Đông đang “nóng” mà đó còn là kỷ niệm được sống với những người lính đảo, hòa mình vào những vẻ đẹp bình dị ở vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Không chỉ có những bài ký sự, phóng sự, ghi chép, nhà báo Nguyễn Tiến Luyến còn được biết đến là phóng viên có đam mê ảnh báo chí. Vì thế mỗi chuyến đi anh đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các trang thiết bị được chuẩn bị sãn sàng. Đặc biệt thẻ nhớ cũng được anh sử dụng nhiều hơn để chắc chắn rằng mình không bỏ lỡ bất kỳ điều gì. Từ khi chuẩn bị lên tàu ra đảo, đến lúc di chuyển đến các đảo, bằng phản xạ của người đam mê chụp ảnh, anh đều cố gắng bắt trọn khoảnh khắc, chụp nhiều góc cạnh khác nhau và ở mọi lúc, mọi nơi có thể.
Đến với Trường Sa, anh Luyến là một trong số ít những người có cơ hội ngủ lại qua đêm ở trên đảo, thông thường những thành viên thăm đảo sẽ trở về ngủ trên tàu. Nhưng nhà báo Nguyễn Tiến Luyến còn là một cây văn nghệ, anh đã từng 3 lần đạt giải về giọng ca vàng toàn quốc. “Tài lẻ” này giúp anh có cơ hội để giao lưu và ngủ lại với các chiến sỹ trên đảo.
Nhớ lại lần trò truyện với các chiến sỹ, anh Luyến chia sẻ: Những người lính họ nhường chỗ ngủ cho tôi trên đảo Trường Sa Đông, khi đó Trung sỹ Trần Ánh Dương, sinh năm 1994 tại quê lúa Thái Bình bộc bạch: “Anh ạ, chúng em ở đây lúc nào cũng bình tĩnh, hoàn thành nhiệm vụ, vì luôn có sự chỉ huy của thủ trưởng hướng dẫn, tất cả đều theo kỷ luật nghiêm của quân đội và đối với chúng em ở Trường Sa mỗi hòn đá, viên gạch cũng là một tấm bia khẳng định chủ quyền Tổ quốc mình” tôi thấy một người lính trẻ nhưng có những suy nghĩ chín chắn và giản dị vậy làm mình phải suy nghĩ nhiều.
“Ở Trường Sa, hình ảnh những người lính trẻ tuổi đôi mươi đã đọng lại những ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi. Giữa trùng khơi muôn vàn gian khó,nhưng các chiến sỹ trẻ vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Dù trên đảo chìm, đảo nổi hay trên nhà giàn bốn bề sóng nước, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười tươi trên khuôn mặt lính trẻ đã sạm đen vì nắng gió của biển”, nhà báo Nguyễn Tiến Luyến tâm sự.
Viên gạch in hình Quốc huy là "tấm bia" khẳng định chủ quyền
Hình ảnh về Trường Sa từ trước đến nay luôn được những nhà báo, phóng viên lưu giữ lại. Nhưng để có những hình ảnh độc đáo thì đòi hỏi óc sáng tạo và kỹ năng và kinh nghiệm riêng. Anh Luyến cho rằng: “Tôi không muốn mình đi theo một lối mòn, những bức ảnh lặp đi, lặp lại mà cố gắng khai thác những đề tài ít người nghĩ tới. Tuy nhiên những đề tài đó cũng không quá cao xa, hay trừu tượng, mà nên gần gũi bình dị thân quen như chính Trường Sa”.
Hàng nghìn tấm ảnh về Trường Sa được anh ghi lại, mọi thứ đều tươi sáng, gần gũi dưới phông xanh ngắt của trời, của biển cả bao la. Đó là hình ảnh những chú chó cùng những người lính ở Trường Sa; những chú chó lông vàng óng, ánh mắt vui mừng khi gặp lại người thủ trưởng cũ sau nhiều tháng xa cách; hay những chú vịt, gà, lợn nằm bên những vườn rau…Tất cả những bức ảnh về đảo của anh hiện lên thân thuộc như ở làng quê nào đó, nhưng có điều độc đáo hơn là bất kể ai nhìn vào đó cũng biết được đó là Trường Sa.
Không chỉ là khung cảnh, cuộc sống đời thường của hiện lên bình dị trong mỗi bức ảnh. Bằng những góc máy tinh tế, anh đã có nhiều bức ảnh về những đứa trẻ cắp sách tới trường, những người lính chơi bóng truyền trong ánh nắng của buổi chiều muộn... và sau mỗi bức ảnh anh luôn cố gắng khai thác những câu chuyện xung quanh đó.
Nhắc tới tấm ảnh Viên gạch in hình "Quốc huy Việt Nam” nhà báo Nguyễn Tiến Luyến nhớ lại: Khi lên đảo Phan Vinh tôi đi thăm quanh đảo, khi đó chùa Vinh Phúc trên đảo đang được hoàn thiện, đúng lúc đó tôi tình cờ nhìn thấy một viên gạch có in hình Quốc huy ở bờ tường và may mắn được thượng uý Tống Văn Tùng, lính hải quân tàu HQ 996 nhiệt tình cầm lên giúp và chụp được.
“Tôi chụp 3 tấm ảnh, một là cận cảnh Quốc huy in trên viên gạch, một tấm lấy nét phía sau là cổng chùa, phía xa xa là cột mốc chủ quyền đảo Phan Vinh và cuối cùng là tấm người lính hải quân cầm bằng hai tay để thêm phần trang trọng. Mọi thứ đều chân thực, khách quan, không sắp đặt.., thậm chí viên gạch vẫn còn dính nguyên cả cát trên đó” anh Luyến chia sẻ thêm.
Một bức ảnh đơn giản về viên gạch, nhưng đã miêu tả được cả không gian thời gian và quan trọng hơn hết đó như một "tấm bia" khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biển đảo. Đó là một trong muôn vàn minh chứng thể hiện ý chí, lòng quyết tâm và tinh thần sức mạnh của người Việt Nam trong suốt chiều dài đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Viên gạch - người lính - bức ảnh, tất cả đều tưởng như chỉ là tình cờ nhưng đằng sau đó lại xuất phát từ tinh thần yêu quê hương đất nước, là mong muốn tìm tòi và học hỏi của một nhà báo. Giữa biển xanh thẳm, giữa lúc chủ quyền của tổ quốc bị xâm phạm, là người cầm bút nhà báo Nguyễn Tiến Luyến cũng mong được đóng góp một điều gì đó nhỏ bé vào việc giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và đối với anh, tình yêu biển đảo cũng cần phải được cụ thể hóa bằng việc làm cụ thể và thiết thức.
Theo nhà báo Nguyễn Tiến Luyến: “Tôi đã chụp hàng ngàn tấm ảnh. Nhưng không chỉ có vậy, tôi đã chụp bằng tâm hồn và trí óc, ghi vào tim dáng hình đất nước giữa ngàn trùng sóng gió biển khơi. Những ánh mắt, nụ cười lính trẻ vượt qua mọi gian khó nơi đầu sóng là động lực để tôi tiếp tục cầm bút…mà vì thế, Trường Sa mãi trong trái tim tôi”.
*Tiêu đề do nhandaovadoisong.vn đặt lại