Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vẫn rất chậm

Lã Thị Thúy hằng
Chỉ còn chưa đầy 40 ngày nữa (đến 30/8/2022) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ tiêm cho nhóm tuổi này rất chậm.

Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 21/7/2022, cả nước đã tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với tổng số mũi tiêm: 10.919.204. Trong đó: tiêm mũi 1 đạt 7.388.541 trẻ (64,5%). Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp là: Hà Nội (46,1%); Hà Tĩnh (46,1%); Đà Nẵng (33,4%); Quảng Nam (34,1%); Đắc Lắc (47,0%); TP Hồ Chí Minh (41,8%).

Trẻ đã được tiêm mũi 2 là 3.530.663 trẻ, đạt 30,8%. Trong đó, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp là Hà Nội (14,4%); Vĩnh Phúc (15,6%); Tuyên Quang (17,0%); Đà Nẵng (14,0%); Quảng Nam (9,5%); Khánh Hòa (14,0%).

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Thuận (71,1%); Sóc Trăng (57,1%); Vĩnh Long (60,0%); Bạc Liêu (60,0%).

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm tuổi này rất chậm.

Về lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi quá chậm, các chuyên gia lý giải thời gian vừa qua là dịp trẻ được nghỉ hè, bên cạnh đó trong tháng 2 đến tháng 4-2022 đã có 3,5 triệu trẻ các lứa tuổi mắc Covid-19, tình trạng bệnh hầu hết là nhẹ khiến các gia đình cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.

Đồng thời nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vaccine đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ,.. còn ở mức thấp.

Bên cạnh đó hiện tại hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.

a1-1658501241.jpg

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm tuổi này rất chậm.

Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 ngày 21/7 lại tăng lên gần 1.300 cao hơn khoảng 100 ca so với hôm qua. Trong ngày có 4.999 bệnh nhân khỏi, gấp 4 lần số mắc mới; tiếp tục không có F0 tử vong.

Tại Việt Nam, số ca mắc của tuần này tăng tới 21% so với tuần trước. Liên tiếp trong 3 ngày gần đây (từ 19/7-21/7), mỗi ngày đều ghi nhận hơn 1.000 ca Covid-19 mới, trong đó riêng ngày 21/7, số ca mắc mới lên đến gần 1.300, cao nhất trong 47 ngày qua. Các ca mắc biến thể BA.4 và BA.5 đang gia tăng. Cùng đó biến thể phụ BA.2.12.1 cũng đã xuất hiện tại phía Nam.

Trong cuộc họp tại Bộ Y tế chiều ngày 21/7, TS Vũ Hương- đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cho biết thêm, trong 6 tuần gần đây, có tới 5 tuần ghi nhận số ca mắc Covid-19 và tử vong gia tăng trên toàn thế giới, trong đó chỉ có 1 tuần số ca mắc đi ngang.

Ngày 12/7, Đại hội đồng y tế công cộng khẩn cấp thế giới tiếp tục nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn là sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu. Trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5 của Omicron tiếp tục chiếm ưu thế.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác. Đồng thời đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.

Lã Hằng