Nhiều địa phương tỉ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ dưới 30%
Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được Bộ Y tế phát động giữa tháng 4/2022. Thời gian qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương tăng tốc tiêm vắc-xin cho trẻ để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trong tháng 8.
Trước đó, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh lợi ích của việc tiêm vắc-xin để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường trong năm học mới. Tại văn bản gửi Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cũng đề nghị bộ này chỉ đạo sở GD-ĐT các địa phương phối hợp ngành y tế rà soát, lập danh sách trẻ mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ, trong đó đặc biệt quan tâm trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai thành công, hoàn thành tiêm liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt trên 99%. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nhiều tỉnh, thành dưới 60% và nhiều tỉnh, thành tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi dưới 20%. Thống kê đến ngày 22-8 của Bộ Y tế cho thấy tốc độ tiêm vắc-xin còn chậm, nhất là với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi hiện nhiều tỉnh tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại rất thấp. Trong số này, tỉnh Phú Yên là 12,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 14,4%; Bình Dương 22,7%; Đồng Nai 23,5%; Bình Thuận 24,6%. Với nhóm trẻ 5 đến 12 tuổi, hiện 5 tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm mũi 2 thấp gồm: Quảng Nam 17,2%; Đà Nẵng 20,3%; Bình Dương 27,2%; Khánh Hòa 29,4%; TP HCM 30,8%.
Về lý do tiến độ tiêm chủng cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi quá chậm, nhiều chuyên gia cho rằng do thời điểm nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm. Mặt khác, đã có hàng triệu trẻ các lứa tuổi mắc Covid-19 nhưng tình trạng bệnh hầu hết đều nhẹ khiến gia đình cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh. Một số phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng học tập và sinh hoạt của con nên không tích cực đưa trẻ đi tiêm.
Cảnh báo số ca mắc gia tăng khi trẻ đi học
Trước thực tế tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ còn thấp trong khi năm học mới sắp bắt đầu, "lá chắn" bảo vệ trẻ trước Covid-19 chưa đạt yêu cầu đề ra, các chuyên cảnh báo số trẻ mắc Covid-19 có thể tăng khi hàng chục triệu trẻ trên cả nước quay lại trường học.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế, cho biết quy định hiện hành của Việt Nam không bắt buộc đối với việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng hiện liên tục xuất hiện các biến thể phụ mới của Omicron khiến nhiều người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng thì đây có thể là nguồn lây trong cộng đồng. Trẻ vẫn bị mắc Covid-19, thậm chí có trường hợp bệnh chuyển nặng như đã ghi nhận trẻ mắc hội chứng hậu Covid-19 (MIS-C). Trẻ mắc Covid-19 còn là nguồn lây cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong gia đình như người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch. Những đối tượng này khi mắc Covid-19 sẽ chuyển nặng. "Covid-19 dễ lây lan trong môi trường kín hay ở đám đông. Khi trẻ mắc bệnh phải nghỉ học, thậm chí lây cho bạn. Việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép và tiêm an toàn, phụ huynh không nên lo lắng quá mà nên cho trẻ đi tiêm trước khi bước vào năm học mới" - PGS Phu khuyến cáo.
Từ thực tế điều trị bệnh nhân Covid-19, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tại Việt Nam đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi, gây hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ. Theo các chuyên gia, đến nay vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, chống lại tình trạng bệnh chuyển nặng, chống quá tải hệ thống y tế, giảm tử vong.