Thực trạng "chảy máu" lực lượng y tế công tại Đồng Nai

Lã Thị Thúy Hằng
Ai cũng biết, để có một chỗ trong biên chế Nhà nước tại một cơ sở y tế nào đó ở các thành phố là niềm mơ ước của nhiều người trong ngành y. Ấy thế mà những năm qua, hàng loạt cán bộ y tế đã từ bỏ niềm mơ ước ấy.

Nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp

Thầy thuốc tỉnh Đồng Nai đang công tác tại các bệnh viện công lập xin nghỉ việc ngày càng nhiều. Tại Bệnh viện Đã khoa (BVĐK) Thống Nhất, Đồng Nai hiện có 1.255 cán bộ, nhân viên, trong đó có 267 bác sĩ, 400 điều dưỡng. Trước áp lực công việc quá lớn mà thu nhập thấp, bệnh viện đã và đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xin nghỉ việc.

Từ tháng 1/2021 đến nay, toàn bệnh viện có 114 viên chức, người lao động (trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên) thôi việc, bỏ việc. Hiện tại có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người khác đang xin nghỉ không lương; 6 người xin chuyển công tác.

a1-1655882880.jpg

Khi nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc nhiều, các bệnh viện công đứng trước thách thức không hề nhỏ

Theo Giám đốc BVĐK Thống Nhất TS. Phạm Văn Dũng, các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn là do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Vấn đề cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp không phải chỉ diễn ra trong năm 2021 mà đã diễn ra từ nhiều năm nay tại các bệnh viện công lập hạng I của tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, đến năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội, áp lực công việc quá lớn, nhiều cán bộ, nhân viên y tế quyết định "dứt áo ra đi" để tìm bến đỗ mới ít áp lực hơn hoặc làm công việc khác có thu nhập cao hơn.

Trong 5 năm qua, BVĐK Thống Nhất đã "mất" khoảng 300 bác sĩ có tay nghề cao, điểm đến của đa số các bác sĩ nghỉ việc là các bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Tương tự tại BVĐK Đồng Nai thầy thuốc xin nghỉ việc đang là nỗi lo của lãnh đạo bệnh viện. BSCKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc bệnh viện cho biết trong năm 2021 bệnh viện có hàng trăm nhân viên xin nghỉ việc, trong đó có khoảng 20 bác sĩ có kinh nghiệm.

Mặc dù bệnh viện cũng tuyển dụng được 30 bác sĩ vào làm nhưng đây là những bác sĩ mới ra trường, để có được kinh nghiệm đòi hỏi phải mất một thời gian rất lâu.

Theo số liệu Sở Y tế Đồng Nai cho thấy, số lượng bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc mỗi năm luôn ở mức cao. Cụ thể, năm 2019 có 104 bác sĩ và 156 điều dưỡng; năm 2020 có 80 bác sĩ và 131 điều dưỡng; từ thời điểm tháng 11/2021 đến nay có 79 bác sĩ và 151 điều dưỡng nghỉ việc.

Cần có cơ chế chính sách để thu hút và giữ chân y, bác sĩ

TS. Phạm Văn Dũng cho biết, bệnh viện muốn phát triển được phải có 3 nền tảng vững chắc. Đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc và đặc biệt là nhân lực. Bệnh viện công lập ra sức đào tạo đến khi các bác sĩ, điều dưỡng vững tay nghề lại xin nghỉ việc khiến chúng tôi rơi vào vòng luẩn quẩn.

Thiếu cơ sở vật chất, máy móc có thể bổ sung nhưng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, không thể có ngay trong một sớm một chiều. Vì vậy cần có cơ chế chính sách để thu hút và giữ chân y, bác sĩ, để họ yên tâm gắn bó lâu dài với bệnh viện.

Theo BSCKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Long Khánh, Đồng Nai để nâng cao thu nhập, giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân, phát triển bền vững, mới đây bệnh viện đã đưa vào sử dụng khu khám và điều trị theo yêu cầu chất lượng cao gồm 200 giường bệnh nội trú và khu khám bệnh dịch vụ với đầy đủ các chuyên khoa.

Qua cơ chế hoạt động của khu dịch vụ, lãnh đạo bệnh viện mời các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở TP.HCM về bệnh viện khám, điều trị cho người dân.

"Thông qua hợp tác này, các chuyên gia sẽ vừa chuyển giao kỹ thuật cao, vừa đào tạo nhân lực cơ hữu tại Bệnh viện ĐKKV Long Khánh. Dần dần, người dân sẽ tiếp cận được với phương pháp điều trị tốt. Bác sĩ của bệnh viện cũng làm chủ được nhiều kỹ thuật cao. Các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đa số còn khá trẻ. Khi được các chuyên gia đầu ngành ở TP.HCM về chỉ dạy, cán bộ, nhân viên y tế sẽ học được tác phong làm việc chuyên nghiệp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Từ đó xây dựng môi trường làm việc văn hóa, có thái độ ứng xử với đồng nghiệp, bệnh nhân tốt hơn", BS. Huyên chia sẻ.

Cũng theo BS. Huyên, để nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút bệnh nhân đến với bệnh viện. Có như vậy, bệnh viện mới có nguồn thu, thu nhập của nhân viên y tế mới đảm bảo.

Trước thực trạng "chảy máu" lực lượng y tế công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã chỉ đạo ngành y tế nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách để nâng cao thu nhập, giữ chân y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện.

Hoan nghênh xã hội hóa y tế nhưng y tế ngoài công lập phải phát triển theo hướng chất lượng chuyên sâu, hướng tới phục vụ đối tượng bệnh nhân là người có thu nhập cao. Sở Y tế cũng cần tính toán những vấn đề liên quan đến mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị cho phù hợp với tình hình thực tế, đúng quy định.

T.H