Chia sẻ với báo chí chiều 7/8, ông PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay khiến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thành 2 đợt, các địa phương vừa phòng chống dịch, vừa phải đảm bảo không xảy ra gian lận thi cử. Nhiệm vụ này không dễ dàng khi Bộ Công an nhận định thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử năm nay tinh vi hơn.
Bộ Công an đã chỉ đạo phòng PA03, Công an các địa phương tập huấn cho cán bộ, giáo viên làm thi những kỹ năng nhất định để nhận biết và phát hiện thiết bị gian lận.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Mai Văn Trinh, trong thực tế, việc phát hiện thiết bị công nghệ cao khá khó khăn, do đó việc quan trọng nhất là các cán bộ coi thi phải phát hiện gian lận qua việc quan sát diễn biến tâm lý, những tình huống cụ thể, những hành động bất thường của thí sinh.
"Tôi khuyến cáo nếu đủ điều kiện, địa phương có thể mua khẩu trang y tế cho thí sinh. Nếu không được, chúng ta quy ước là sẽ sử dụng khẩu trang y tế vì dễ phát hiện gian lận nếu có. Những thí sinh mang khẩu trang khác, có nghi vấn thì sử dụng khẩu trang dự phòng có sẵn tại điểm thi để phát cho các em", ông Trinh nói.
Về đề thi, đề thi vẫn phải được xây dựng đáp ứng yêu cầu bảo đảm bình đẳng cho các thí sinh. Cấu trúc đề thi được xây dựng ổn định với ma trận đề, ngân hàng câu hỏi có sẵn, được chuẩn hóa. Bằng các giải pháp kỹ thuật, đề thi sẽ được xây dựng với độ khó tương đồng ở mức độ chấp nhận được để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho thí sinh thi đợt sau.
Đề thi cần bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ phải rõ ràng; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT; bảo đảm phân loại được thí sinh.
Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10 đối với toàn bài và cả đối với các môn thi thành phần của các bài thi tổ hợp.