Theo dõi sát diễn biến sốt xuất huyết để điều trị kịp thời

Lã Thị Thúy hằng
Dịch sốt xuất huyết có nhiều diễn biến phức tạp do diễn biến thời tiết mưa nắng bất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Việc phát hiện sớm, hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp điều trị kịp thời cứu sống người bệnh, tránh tử vong do xuất huyết.
Chú thích ảnh Số ca mắc sốt xuất huyết tại Đắk Lắk liên tục tăng cao, xuất hiện tại 15/15 huyện, thành phố. Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN

Chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết, Bác sỹ chuyên khoa 2 Vũ Hoài Nam, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh do virus Dengue gây nên, muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Vì vậy khi thời tiết, môi trường phù hợp cho muỗi phát triển, bệnh dịch phát triển, đó là có nước đọng cho muỗi đẻ trứng và nhiệt độ cao trên 25 độ C. Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Người dân có thể nhận biết mình mắc bệnh sốt xuất huyết khi có các dấu hiệu: Sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Từ ngày thứ tư trở đi thường xuất hiện chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Khi có các dấu hiệu này, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám và xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh.

Theo bác sỹ Vũ Hoài Nam, bệnh sốt xuất huyết có thể theo dõi điều trị tại nhà bởi nhân viên y tế. Người bệnh cần được khám và xét nghiệm máu hàng ngày, đặc biệt là giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Những trường hợp cần xem xét nhập viện điều trị là: những người sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; người thừa cân béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); người bị bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).

Người bệnh điều trị tại nhà cần đến bệnh viện khám lại ngay khi có các biểu hiện: thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; trên 6 giờ không đi tiểu; có biểu hiện hành vi thay đổi, như: lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.

Đối với cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà, bác sỹ Vũ Hoài Nam lưu ý, người bệnh cần được nghỉ ngơi tuyệt đối; hạn chế đi lại; không đánh răng, cạo râu… trong giai đoạn sốt và giai đoạn nguy hiểm. Cần động viên người bệnh uống nhiều nước như nước Oresol, nước trái cây, nước cháo loãng với muối. Đồ ăn mềm, tránh đồ cay nóng và có màu sắc đỏ để kịp thời phát hiện nếu có xuất huyết. Nếu sốt cao, bệnh nhân cần được chườm mát, chỉ được dùng thuốc Paracetamol đơn chất để hạ sốt, nếu cần theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Virus Dengue có 4 type huyết thanh gây bệnh, người mắc bệnh type nào có thể có miễn dịch suốt đời với type đó, nhưng vẫn có thể tái mắc bệnh với 3 type còn lại. Để phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi gây ra, bác sỹ Vũ Hoài Nam cho biết: Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, vì vậy, cần hạn chế các điều kiện cho muỗi phát triển và tránh để muỗi đốt.

Để hạn chế muỗi cần phun thuốc diệt muỗi định kỳ, tích cực làm vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, tránh tạo các vũng nước đọng, như: úp ngược chum vại không dùng, nuôi cá, thả hóa chất diệt bọ gậy, lăng quăng; nằm màn, tránh đến các nơi tối tăm để tránh muỗi đốt.

Hiện nay có tình trạng một số người dân chủ quan với bệnh, không đến cơ sở y tế để điều trị sốt xuất huyết dẫn đến trở nặng. Vì vậy, bác sỹ Vũ Hoài Nam khuyến cáo: Sốt xuất huyết là bệnh do virus gây ra, hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù dịch, chăm sóc dinh dưỡng... Tuy nhiên, diễn biến của bệnh rất đa dạng, từ nhẹ đến rất nặng, thậm chí là tử vong. Tỷ lệ bệnh nhân tiến triển nặng khá cao, khi có biến chứng nặng, việc xử lý điều trị rất khó khăn, tốn kém.

Việc thăm khám và theo dõi bởi nhân viên y tế, cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm, theo dõi sát sao những diễn biến trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu chuyển nặng, chẩn đoán sớm, điều trị đúng, kịp thời, từ đó giảm nguy cơ biến chứng nặng và tử vong...