Thêm 1 bệnh nhi tử vong do mắc Adeno virus: Tiền sử khỏe mạnh, không bệnh nền

Nguyễn Diệp Linh
Bệnh nhi 13 tháng tuổi mắc Adenovirus tử vong dù có tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền. Hiện đã có 9 ca tử vong liên quan đến loại virus này.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đến sáng nay, 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc Adenovirus đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực); 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy.

img-bgt-2021-dth-1818-1664805862-width1280height720-1664846810.jpgTiếp tục gia tăng trẻ mắc Adeno virus, trong đó có nhiều trẻ trở nặng. Ảnh: báo Giao thông
 

Sáng 3/10, Bệnh viện ghi nhận 1 ca tử vong 13 tháng tuổi có tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền. Trẻ có tổng thời gian điều trị, thở máy gần 50 ngày, giai đoạn cuối được điều trị theo hướng xơ phổi, bội nhiễm.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày.

Trong 9 ca tử vong liên quan virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 4 trẻ mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, ung thư, viêm não, suy đa tạng…, 3 bệnh nhân mắc bệnh cấp tính, đồng nhiễm các virus, vi khuẩn khác.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, số mắc tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Tuần từ 12-18/9 chỉ ghi nhận 168 ca; tuần qua (26/9-2/10) ghi nhận gần 1.150 ca. Như vậy, chỉ trong 3 tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc mới, ca nặng chưa dừng lại dù tốc độ gia tăng có dấu hiệu "đi ngang”. Đặc biệt, bệnh nhân có địa chỉ tại Hà Nội ghi nhận tới 2.344 ca, tương đương 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên ghi nhận mỗi nơi 103 ca.

Không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc so với các năm trước, PGS.TS Trần Minh Điển còn cho biết, kèm theo đó là tỷ lệ nhập viện cao, trên 50% số ca phát hiện. Bệnh nhi nhiễm virus Adeno có triệu chứng sốt cao liên tục từ 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp cao.

Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, trong tuần qua (từ 24-30/9) ghi nhận 13 ca bệnh mắc Adenovirus. Trong 9 ca đang điều trị, có 2 ca thở máy hỗ trợ. Cơ sở này sẵn sàng buồng điều trị riêng cho bệnh nhân nhiễm virus này, tránh lây lan trong điều trị.

Tính đến chiều nay, Hà Nội ghi nhận hơn 2.300 bệnh nhân nhiễm Adenovirus, có 16% bệnh nhân đang điều trị. Tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), tích luỹ đến nay ghi nhận 84 ca, tuần qua có 57 ca điều trị nội trú, với 5 ca nặng, nguy kịch phải hỗ trợ hô hấp (thở CPAP, thở máy).

Tại các bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Đông, tiếp nhận gần 40 bệnh nhi nhiễm virus này từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển về, hoặc từ các bệnh viện tư nhân.

Theo bà Nguyễn Xuân Anh - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội, TP chưa tự tin để đáp ứng tối đa điều trị bệnh lý này. Do đó, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện trung ương hỗ trợ cho các bệnh nhân nặng; các bệnh viện của Hà Nội sẽ nhận lại các bệnh nhân khác, qua cơn nguy kịch.

Không chỉ dịch Adenovirus, dịch sốt xuất huyết cũng đang tăng nhanh. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, thủ đô ghi nhận tới 807 ca mắc trong tuần qua (tính từ 24-30/9), nâng tổng số ca ghi nhận từ đầu năm đến nay lên hơn 4.700 ca mắc (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước), 5 ca tử vong.

Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 56 ổ dịch mới, hiện còn 171 ổ dịch đang hoạt động. Đặc biệt, ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có tới 131 bệnh nhân sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng nhanh kéo theo số ca nhập viện cũng tăng nhanh.

Tại bệnh viện đa khoa Đức Giang, các ca sốt xuất huyết tăng nhanh từ nửa cuối tháng 8. Tính từ đầu vụ dịch sốt xuất huyết đến nay, bệnh viện này tiếp nhận, điều trị nội trú cho 1.300 ca bệnh. Hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 180 ca sốt xuất huyết.

Theo đại diện bệnh viện đa khoa Đức Giang, tỷ lệ bệnh nhân đến viện khi có dấu hiệu cảnh báo rất cao, lên tới 40%, cao hơn các năm rất nhiều. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu vào ngày thứ 4, 5 từ khi khởi phát, đây là giai đoạn nguy hiểm trong diễn biến bệnh.

Tình hình cũng tương tự tại bệnh viện Đống Đa, bệnh viện Thanh Nhàn... Đặc biệt khi thời tiết mưa nhiều, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, khiến số ca mắc tăng nhanh.

Hạnh (T/h)