Thanh Hóa phấn đấu đưa KKT Nghi Sơn trở thành khu công nghiệp – dịch vụ trọng điểm của cả nước

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - KKT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 5 KKT trọng điểm để đầu tư phát triển giai đoạn 2013 - 2015 và là một trong 8 nhóm KKT ven biển trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII, XVIII xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phương hướng phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía bắc của tổ quốc, trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế. Trong đó, KKT Nghi Sơn là trung tâm động lực phía Nam, chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN tiếp tục được lựa chọn là một trong 6 chương trình trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 đồng thời xác định rõ: Xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

nha_may_loc_dau_vfvc
Ảnh minh họa

Được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, KKT Nghi Sơn đã và đang khẳng định được là một trong những KKT ven biển hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.

Đến nay, KKT Nghi Sơn có 234 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 131.802 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 12,7 tỷ USD; trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, 2; Nhà máy xi măng Nghi Sơn; Liên hợp luyện cán thép; các bến cảng...

Giai đoạn 2016 – 2020, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ đạt 390.413 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 3.713 triệu USD; thu ngân sách đạt 51.863 tỷ đồng (năm 2020 dự kiến thu ngân sách khoảng 17.000 tỷ đồng, bằng 61,3% so với cả tỉnh), giải quyết việc làm cho 37.000 lao động.... Sự phát triển của KKT Nghi Sơn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất lao động, giải quyết nhiều việc làm, tạo đà tăng trưởng bền vững và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng ban quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định, thời gian tới Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

 

Đầu tiên, tiếp tục chọn cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội của đội ngũ cán bộ, công chức; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu công nghệ thông tin trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý hồ sơ công việc; xây dựng nền "hành chính phục vụ", lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu hành động.

 

Tiếp đó, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn (vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, PPP, ODA, vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp...) để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KKT. Trước mắt cần phải triển khai ngay một số dự án trọng điểm như: Nạo vét luồng vào cảng Nghi Sơn, đầu tư các tuyến giao thông trục chính và chỉnh trang, cải tạo hệ thống cây xanh dọc các tuyến đường đảm bảo xanh – sạch – đẹp,…

 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với thị xã Nghi Sơn và các huyện Nông Cống, Như Thanh tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư theo hướng thiết thực, có trọng tâm trọng điểm, định hướng tập trung vào các thị trường, đối tác có tiềm năng và thế mạnh; Chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; Tranh thủ tối đa cơ hội dịch chuyển nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á do ảnh hưởng của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thường xuyên rà soát, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đầu tư; kiên quyết thu hồi những dự án không có khả năng triển khai, cố tình chậm tiến độ, gây lãng phí đất đai, để giao cho nhà đầu tư có năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Ông Nguyễn Tiến Hiệu cũng cho biết, KKT Nghi Sơn sẽ khẩn trương triển khai lập và trình phê duyệt các Đồ án quy hoạch phân khu chức năng theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKT Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để kêu gọi đầu tư. Ưu tiên lập quy hoạch các phân khu CN và các khu đô thị, quá trình lập quy hoạch các KCN phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị và mang tính hiện đại, xanh - sạch - đẹp - thân thiện môi trường, phát triển bền vững. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi có KKT, KCN tổ chức tốt việc quản lý quy hoạch, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép đồng thời cắm mốc giới quy hoạch các tuyến đường giao thông để quản lý.

 

Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2119/QĐ-UBND ngày 9-6-2020 của UBND tỉnh đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ giữa cảng biển, cảng hàng không với các đầu mối vận tải hàng hóa, các trung tâm logistics, xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các vùng lân cận xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn. Nhanh chóng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cảng Nghi Sơn thành cảng 1A, xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại KKT Nghi Sơn.

 

Người đứng đầu KKT Nghi Sơn cũng khẳng định, sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực. Quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án. Nâng cao chất lượng đời sống người lao động.

Thanh Huyền