Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp tổ chức thực hiện tháng Nhân đạo và đạt kết quả đáng ghi nhận.
6 năm qua, toàn tỉnh đã vận động trợ giúp được trên 44.000 lượt người, với tổng trị giá 30,6 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở, sinh kế, trợ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người già không nơi nương tựa, hiến máu tình nguyện; tư vấn, khám bệnh nhân đạo và cấp phát thuốc miễn phí. Qua đó đã khơi dậy, phát huy và lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” trong các tầng lớp nhân dân, giúp hàng nghìn lượt người nghèo vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Với chủ đề “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương”, Tháng Nhân đạo năm 2024, toàn tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 20 công trình nhân đạo, trợ giúp cho trên 3.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức.
Cụ thể, mỗi huyện, thành phố sẽ vận động các cơ quan, đơn vị thực hiện hỗ trợ sinh kế, gắn địa chỉ nhân đạo đối với ít nhất 6 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá tối thiểu 6 triệu đồng/hộ/năm.
Mỗi huyện, thành phố tổ chức được ít nhất 1 công trình, phần việc nhân đạo, chương trình gắn địa chỉ nhân đạo có sự tham gia ủng hộ trực tiếp của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương; xây mới, sửa chữa 1 bếp ăn bán trú, nội trú tại các trường mầm non, tiểu học có điều kiện đặc biệt khó khăn, trị giá tối thiểu 150 triệu đồng…
Để khởi đầu Tháng Nhân đạo năm 2024, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phát động chiến dịch “Triệu bước chân nhân ái” và “Hành trình nhân đạo - Trao nhận yêu thương” với các hoạt động như: Tặng 700 suất quà thông qua hình thức chợ nhân đạo; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 700 người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Định Hóa với trị giá trên 1,3 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: Tháng Nhân đạo tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh thảm họa nhân đạo ở một số khu vực trên thế giới đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Điều này càng thôi thúc phong trào Chữ thập đỏ tập trung vào những người yếu thế, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp nhân văn, nhân ái, yêu chuộng hòa bình và gắn kết cộng đồng xã hội. Qua chuỗi hoạt động hưởng ứng Chương trình, đến thời điểm này đã có gần 16.000 người được tiếp cận, hưởng lợi tại 3 tỉnh: Điện Biên, Thái Nguyên và Sơn La với tổng trị giá trên 14 tỷ đồng. Thái Nguyên là địa phương đi đầu trong công tác nhân đạo của cả nước, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm, đồng hành với các cấp Hội Chữ thập đỏ trong trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình đã tiếp nhận sự ủng hộ của 84 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Dịp này, Ban Tổ chức cùng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao biển hỗ trợ 20 nhà nhân đạo, tặng 10 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó; trao tặng giấy chứng nhận Tấm lòng vàng cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác nhân đạo.