Phấn đấu vì một cái Tết đủ đầy cho mọi người
Năm 2024 là năm thứ hai triển khai Phong trào “Tết Nhân ái” - kế thừa Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. Phong trào nhằm huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Hội chợ - Tặng quà - Vui Tết”, trợ giúp về vật chất, tinh thần đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết.
Được biết, năm 2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Phong trào “Tết Nhân ái” đã tạo được dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, vui tươi không chỉ cho người hưởng lợi mà còn truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ nói riêng và người tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung. Phong trào “Tết Nhân ái” Xuân Quý Mão 2023 trong toàn hệ thống Hội đã vận động nguồn lực đạt được những kết quả, thành tích vượt trội là 1.175,545 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền), đạt 196% chỉ tiêu (vượt 565,545 tỷ đồng so với chỉ tiêu), đã hỗ trợ 2.619.927 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gấp 2,62 lần chỉ tiêu, với giá trị hỗ trợ bình quân đạt 449.000 đồng/người.
Phát huy từ những kết quả đã đạt được, "Tết Nhân ái" 2024 được triển khai, phấn đấu chăm lo, hỗ trợ cho 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 700 tỷ đồng; tiếp tục nhân rộng và làm phong phú hơn nữa mô hình “Tết Nhân ái: Hội chợ - Tặng quà – Vui Tết” với 18 chương trình do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đầu mối chủ trì và 200 chương trình do các tỉnh, thành Hội vận động tổ chức.
Năm nay, "Tết Nhân ái" được triển khai với nhiều mô hình, cách làm mới như huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các hoạt động theo mô hình "Hội chợ - Tặng quà - Vui Tết" nhằm trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương vui đón Xuân mới phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Chữ thập đỏ cũng nỗ lực đa dạng hóa các hình thức trợ giúp, bên cạnh trao tặng quà truyền thống còn tổ chức Chợ Tết Nhân ái kết hợp với các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ trong không khí rộn ràng, ấm áp, vui tươi. Chính vì thế "Tết Nhân ái" không chỉ hỗ trợ bằng vật chất mà còn mang lại các giá trị tinh thần cho người hưởng lợi và cộng đồng. Phong trào đã tạo được dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, mang lại niềm vui cho người hưởng lợi, đồng thời truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cũng như những người tham gia hoạt động thiện nguyện.
Phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm tạo ra một môi trường đoàn kết, yêu thương và sẻ chia trong xã hội, khơi dậy lòng nhân ái và sự đồng hành của mọi người trong việc xây dựng một cộng đồng văn minh, hạnh phúc và bình đẳng.
Đồng thời "Tết Nhân ái" cũng góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc trong ngày Tết, khuyến khích mọi người thực hiện những hành động nhân ái và giúp đỡ những người khó khăn trong xã hội, từ đó góp phần xây dựng xã hội công bằng nhân ái hơn.
Không chỉ vậy, nhờ ý nghĩa to lớn và những kết quả đạt được, phong trào "Tết Nhân ái" đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước equan tâm ủng hộ, được các cấp Hội tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.
Để người người, nhà nhà ai cũng được vui xuân, đón Tết
Anh Lê Dấn ( ngụ tại thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) là một trong những hộ nghèo tại xã Hòa Nhơn. 2 con của anh đều là nạn nhân chất độc da cam. Dẫn con theo cùng đi chợ Tết Nhân ái tại huyện Hòa Vang, anh Dấn vui mừng chia sẻ: “Anh dẫn con đi theo để cháu cảm nhận được không khí Tết đang về. Anh và gia đình vui lắm khi được nhận quà từ chợ 0 đồng và giờ cả nhà hầu như đã có những đồ cần thiết dành cho Tết này”.
Tại Bình Phước, "Tết Nhân ái" được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức ở huyện biên giới Bù Đốp - nơi xa nhất của tỉnh Bình Phước, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 17%. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, Ban tổ chức mong muốn, các gia đình còn khó khăn huyện biên giới Bù Đốp được đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm. Thời gian tới, Chương trình mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà tài trợ để cùng chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Có mặt tại chương trình "Tết Nhân ái" từ sớm, bà Trần Thị Thành (dân tộc Nùng, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) phấn khởi chia sẻ, năm nay, chương trình tổ chức đặc biệt hơn năm trước khi người dân được phát phiếu và trực tiếp chọn những sản phẩm theo nhu cầu. Những món quà ý nghĩa này giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo để đón Tết đầm ấm.
Hay như chương trình "Ngày hội nghĩa tình – Bữa cơm đoàn viên” nằm trong chuỗi hoạt động “Tết Nhân ái” Xuân Giáp Thìn năm 2024 hướng tới chăm lo và trao quà đến 300 người có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên học sinh bệnh hiểm nghèo diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình thực sự có ý nghĩa to lớn khi tạo điều kiện cho người dân tham quan nhận quà tại các gian hàng, gian hàng gói Bánh tét, gian hàng hớt tóc, gian hàng tư vấn sức khỏe, điểm làm đẹp đón tết, điểm học sơ cấp cứu cơ bản và còn được tham dự "Bữa cơm đoàn viên". Bữa cơm là cơ hội để những hoàn cảnh khó khăn cùng giao lưu và chia sẻ những kỷ niệm vui, buồn, những lúc khó khăn trong một năm vừa qua, góp phần tạo nên sự ấm áp, gắn kết từ những bữa ăn gia đình sum họp.
Trong không khí vui mừng đó, chị V.T.Lan (35 tuổi, ngụ tại phường Linh Trung), chia sẻ: “Tôi đã ăn tất niên nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham dự bữa cơm tất niên đặc biệt và ấm áp như thế này. Tất cả mọi người ngồi quây quần bên nhau trong một không khí vô cùng ấm cúng. Bữa cơm có những món ăn rất ngon, rất bắt mắt thường thấy trong mỗi dịp Tết. Tôi vô cùng biết ơn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân của “Tết Nhân ái” đã giúp đỡ, hỗ trợ để tôi có được một buổi tất niên ý nghĩa, tạo điều kiện để tôi đón một cái Tết đầy đủ.”
Tại tỉnh Hậu Giang, Hội Chữ thập đỏ các cấp tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phấn đấu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mỗi huyện, thị, thành đều có từ 1-2 phiên chợ Tết Nhân ái, với khoảng 17.000 suất quà để chăm lo, hỗ trợ cho những đối tượng khó khăn với tổng giá trị ước tính khoảng 8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Chí Nghề - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hậu Giang chia sẻ: "Chợ Tết Nhân ái năm nay được Hội tổ chức với quy mô lớn, vui tươi và rộn ràng hơn các năm trước. Những mặt hàng tặng cho bà con cũng chất lượng và có giá trị cao hơn. Có được những điều này là nhờ sự nỗ lực của các địa phương, cùng các cấp hội, luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác truyền thông để mạnh thường quân gần xa biết đến, cùng với hội chung tay chăm lo tết cho bà con, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái”.
Bà Mai Thị Nhãn (ngụ ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy) là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo tham gia chương trình lần này. Ra về với túi quà đầy ắp trên tay, bà Nhãn phấn khởi nói: “Hôm nay được đến đây tôi mừng lắm. Những món quà này rất có ý nghĩa và cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Được như thế này tôi cũng phần nào bớt được nỗi lo cho năm mới. Mừng quá, nhà tôi mua sắm tết đầy đủ với giá...0 đồng”.
Để phong trào được lan toả sâu rộng, phát triển và giúp đỡ được nhiều đối tượng hưởng lợi hơn nữa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hoà nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Nhân đạo: "Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn Phong trào “Tết Nhân ái” sẽ mở rộng phạm vi và tầm ảnh hưởng. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có kế hoạch phát triển và mở rộng phạm vi ra nhiều khu vực để “Tết Nhân ái” đến được với nhiều người hơn, đặc biệt là người dân ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Hội muốn tăng cường quy mô của chương trình bằng cách tăng số lượng suất quà Tết, tăng cường hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ về sức khỏe, tinh thần, các cách làm mới, sáng tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhiều người hơn cũng như mang lại niềm vui và sự ấm áp cho nhiều gia đình khó khăn hơn.
Hội mong muốn qua những thông điệp ý nghĩa của Phong trào sẽ nhận được sự ủng hộ và đóng góp từ cộng đồng, các doanh nghiệp và các cá nhân khác. Điều này giúp Hội Chữ thập đỏ có thêm nguồn lực và sự hỗ trợ để phát triển Phong trào và đáp ứng nhu cầu của nhiều người hơn.
Hội mong muốn xây dựng một mạng lưới đối tác đáng tin cậy và bền vững để tăng cường hiệu quả của Phong trào. Sự hợp tác và đối tác giúp Hội có thể mở rộng hoạt động và mang lại những kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỳ vọng Phong trào “Tết Nhân ái” sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc và lan tỏa trong cộng đồng. Đây chính là nhân tố khơi dậy tinh thần và ý thức trách nhiệm xã hội của mọi người, tạo ra một môi trường nhân ái và yêu thương cũng như góp phần vun đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc".