Theo một vài nghiên cứu khoa học, việc đánh răng đơn thuần 2 lần thậm chí 3 lần mỗi ngày thực tế chỉ có thể làm sạch khoảng 25% khoang miệng. Thêm vào đó, dù đã đưa ra nhiều thiết kế mới giúp tối ưu hiệu quả, song, bàn chải đánh răng vẫn chưa thể len lỏi vào từng ngóc ngách sâu bên trong kẽ răng được. Chính vì thế, dù có thực hiện đánh răng đều đặn 2 lần mỗi ngày thì cũng khó làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa còn sót lại.
Hơn nữa, chính sự xuất hiện của virus corona gần đây cùng với khuyến cáo của nhiều bác sỹ y khoa càng chứng minh tác dụng của việc súc miệng là rất lớn.
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Phạm Quang Thái: "Việc súc họng có tác dụng diệt khuẩn và virus tại khu vực họng, do vậy sẽ tránh cho họng không bị viêm, từ đó hạn chế sự tấn công của các loại vi khuẩn, virus khác bao gồm cả SARS-CoV-2. Việc dự phòng này khá hiệu quả, tuy nhiên không phải tuyệt đối".
"Với những trường hợp nhiễm bệnh thể nhẹ, thì nước súc họng sát khuẩn làm giảm đáng kể virus trong vòm họng và từ đó giúp hạn chế việc xâm lấn xuống phía dưới của virus và hạn chế phần nào khả năng lây nhiễm của người bệnh.
Nói cách khác thì việc này giúp phòng, không cho bệnh nặng lên ở một số bệnh nhân và giảm lây nhiễm ra cộng đồng".
Chúng ra không nên chỉ duy trì thói quen này khi có dịch bệnh hay virus mà các bạn nên xây dựng thói quen này mỗi ngày và hình thành nếp sống tốt cho sức khỏe. Dù gì thì vi khuẩn luôn hiện diện trong khoang miệng mỗi ngày, đánh răng hay súc miệng mỗi lần chỉ bảo vệ bạn được 12 tiếng. Ngoài ra, các mảng bám và vi khuẩn còn tụ ở đáy lưỡi, là nguyên nhân tạo ra hợp chất lưu huỳnh bay hơi có mùi thối, và vì vậy làm cho hơi thở bạn có mùi hôi.
Về cơ bản, súc miệng hai lần mỗi ngày, đưa dung dịch đi toàn khoang miệng đặc biệt là vùng họng trong đủ 30 giây là cách được các chuyên gia nha khoa đưa ra và đã chứng minh hiệu quả.
Tuy nhiên, bởi sự xuất hiện của virus và cơ chế xâm nhập sâu của nó mà chúng ta cần lưu ý thêm một vài điều sau khi súc miệng:
- Phải súc họng chứ không súc miệng: Có nghĩa là cố gắng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu được.
- Súc họng mỗi lần khoảng 2 phút, trong đó có 3 lần đưa dung dịch xuống họng, mỗi lần khoảng 15 giây. Sau khi súc xong thì để nguyên, không súc lại bằng nước.
- Không cần lượng dung dịch quá nhiều trong một lần súc, khoảng 5 ml là đủ vì lượng dung dịch càng nhiều, bạn càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng.
- Súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay khi từ ngoài về nhà, hay ngay khi tiếp xúc gần với người khác. Nếu trên máy bay thì nên súc mỗi 3 giờ (với chlohexidin) hay ngay sau khi ăn.
- Trong vùng có dịch thì súc họng định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch.
Lưu ý: các nước súc họng cũng không nên sử dụng kéo dài quá, đặc biệt là một số thuốc mà người ta đã có khuyến cáo thì chúng ta cần phải xem kỹ tờ hướng dẫn đi kèm. Vì nếu chúng ta dùng quá nhiều, quá liên tục, quá lâu thì có thể gây ra tình trạng mất cân bằng sinh thái ở lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, thậm chí là mất sức đề kháng ở vùng họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus gây bệnh.
Ngoài ra, các nước súc họng có thể gây tác dụng phụ tùy vào loại hóa chất như phát ban, gây ngứa họng, phồng rộp…
Do đó, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì cần dừng thuốc, dừng súc họng lại và xử lý y tế kịp thời.