COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh đái tháo đường
Nghiên cứu được tiến hành trên gần 430.000 bệnh nhân COVID-19 người Anh đã cho thấy nguy cơ bị cục máu đông hoặc bất thường nhịp tim tăng lên đáng kể trong 1 tháng sau khi bị mắc COVID-19. Sau đó, các nguy cơ đối với tim giảm xuống, nhưng vẫn ở mức nguy cơ trong 2 tháng sau đó.
Một mô hình khác được thấy đối với bệnh đái tháo đường: Nguy cơ bị đái tháo đường mới tăng lên trong tháng đầu sau khi có chẩn đoán COVID-19, sau đó giảm dần trong 2 tháng tiếp theo trước khi trở về bình thường.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích hồ sơ bệnh án điện tử của hơn 428.000 người Anh đã được chẩn đoán mắc COVID-19 vào năm 2020, 2021 và không có tiền sử bị bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tim. Mỗi bệnh nhân này được so sánh với một bệnh nhân khác thuộc cùng một cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, có cùng giới tính và độ tuổi, nhưng chưa bị mắc COVID-19.
Kết quả chung cho thấy, những bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch hoặc phổi cao hơn nhóm đối chứng từ 5 -11 lần trong tháng đầu sau khi chẩn đoán mắc COVID-19.
Hơn nữa, nguy cơ bị rối loạn nhịp nhĩ của bệnh nhân COVID-19 cao hơn gấp 6 lần, đây là tình trạng nhịp tim không đều ảnh hưởng đến các buồng trên của tim, có thể gây ra các triệu chứng như đánh trống ngực, mệt mỏi và chóng mặt. Sau tháng đầu tiên, tất cả những nguy cơ về tim này đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn ở mức nguy cơ trong 2 tháng tiếp theo.
Bên cạnh đó, bệnh nhân COVID-19 cũng dễ có khả năng được chẩn đoán mới mắc bệnh đái tháo đường, với tỷ lệ mắc bệnh trên 81% trong tháng đầu tiên sau khi mắc COVID-19. Nguy cơ này giảm dần trong 2 tháng tiếp theo và trở lại bình thường sau đó. Cụ thể, trong tháng đầu tiên, khoảng 24/100.000 bệnh nhân COVID-19 có chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường mỗi tuần, trong khi tỷ lệ này chỉ là 9/100.000 ở nhóm không mắc COVID-19.
Ý kiến của chuyên gia
Các chuyên gia cho biết những kết quả nghiên cứu mới này xác nhận những gì đã biết về những nguy cơ tiềm ẩn của COVID-19 và đưa ra nhận thức về "khung thời gian" có thể gặp những nguy cơ đó.
Tiến sĩ Bruce Y. Lee, thuộc Trường đại học Y tế công cộng và Chính sách y tế CUNY ở Thành phố New York (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Mọi người có xu hướng tập trung vào nguy cơ tử vong do COVID-19 và làm sao để giảm nguy cơ nhập viện. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng COVID-19 có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác".
"Do đó, mọi người nên quan tâm đến những nguy cơ đó khi đưa ra quyết định về việc đeo khẩu trang, tiêm chủng và tiêm mũi vaccine tăng cường" - Lee nhấn mạnh.
Emma Rezel-Potts, trưởng nhóm nghiên cứu của Trường đại học King's College London, cho biết: "Virus SARS-CoV-2 được cho là có thể gây ra hàng loạt rối loạn ảnh hưởng đến nhiều hệ thống trong cơ thể, bao gồm rối loạn điều hòa đáp ứng miễn dịch và rối loạn chức năng tế bào".
"Trong trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, virus có thể lây nhiễm sang các tế bào tuyến tụy, nơi sản xuất ra hormon insulin (hormon giúp điều hòa đường huyết trong cơ thể). Ngoài ra, trong một số trường hợp, COVID-19 có thể khiến cho nhiều người hạn chế khả năng vận động, làm trầm trọng thêm tình trạng kháng insulin hiện có (tình trạng tiền đái tháo đường)" - Rezel-Potts cho biết thêm.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Điều may mắn là những nguy cơ nêu trên sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng mọi người đặc biệt cần lưu ý rằng nguy cơ đái tháo đường vẫn cao trong khoảng 3 tháng sau mắc COVID-19. Đó có thể là một "khung thời gian" quan trọng để thực hiện việc ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đều đặn".