Tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ

Lã Thị Thúy hằng
Biểu tượng CTĐ luôn gắn liền với các hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ. Dù bất kỳ nơi nào, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... đâu có khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, cần sự giúp đỡ thif ở đó sẽ có những cán bộ, hội viên, tình nguyện viên mang trên mình biểu tượng CTĐ sẵn sàng trợ giúp với tinh thần "Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi".

Ở Việt Nam, 76 năm qua biểu tượng CTĐ đã trở nên gần gũi, tin cậy, có sức lan tỏa mạnh mẽ, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và tạo được niềm tin trong cộng đồng. Mặc dù biểu tượng được quy định tại Công ước Giơnevơ năm 1949 và tại Luật hoạt động CTĐ được Quốc hội thông qua năm 2008. Tuy nhiên hiện vẫn còn có nhiều tổ chức, cá nhân đang vô tình hoặc cố ý sử dụng biểu tượng sai quy định. Đó là biểu tượng trên biển hiệu của nhiều cơ sở y tế, xe cứu thương, tại các hiệu thuốc, trên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trên một số đồ gia dụng, trên biển báo giao thông... mà không phải là đang thực hiện hoạt động nhân đạo. Có trường hợp lợi dụng việc sử dụng biểu tượng CTĐ để trục lợi và thực hiện những hành vi trái pháp luật. Việc sử dụng biểu tượng sai quy định dễ gây hiểu nhầm, ảnh hưởng đến hoạt động nhân đạo và uy tín của Hội CTĐ.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Do vậy, bảo vệ biểu tượng CTĐ chính là trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ. Chung tay bảo vệ biểu tượng CTĐ là bảo vệ giá trị của công tác nhân đạo.

Luật Hoạt động Chữ thập đỏ có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, tại Điều 14, 15 quy định: Biểu tượng Chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và được sử dụng với/tại người đang thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động Chữ thập đỏ. Khoản 7, Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm cũng chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi “Sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trái pháp luật”.

a7-1662727732.jpg

Các cấp Hội Chữ thập đỏ tuyên truyền về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tới các nhà thuốc.

Theo ông Trần Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: “Các biểu tượng của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ như Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ ngoài mục đích nhận diện cho tổ chức làm công tác nhân đạo còn có một mục đích, ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là biểu tượng của sự bảo vệ (ngoài ý nghĩa Biểu tượng của nhân đạo)! Luật pháp quốc tế quy định, trong các cuộc xung đột vũ trang, những người bị thương, những người bị bệnh và những người chăm sóc họ cũng như các phương tiện, cơ sở vật chất khi mang biểu tượng này đều được bảo vệ, không ai được phép tấn công. Do vậy, các biểu tượng trên cần phải được tôn trọng và sử dụng đúng. Nếu biểu tượng này bị sử dụng một cách tùy tiện, bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người”.

Ông Dương Đình Diện - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Gia Lai cho biết: Các đơn vị sử dụng biểu tượng CTĐ phần lớn không biết đây là biểu tượng của Hội CTĐ hoặc biết nhưng vẫn cố tình sử dụng vì mục đích riêng. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết tham gia Công ước quốc tế về bảo hộ biểu tượng của Phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Năm 1958, ngành Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc sử dụng biểu tượng CTĐ đúng theo tinh thần Công ước Genève. Năm 2009, Luật Hoạt động CTĐ có hiệu lực, theo đó điều 14 quy định: Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Khoản 7, Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm cũng chỉ rõ: Nghiêm cấm hành vi sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật. Khi có Luật Hoạt động CTĐ, gần như 100% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết không đồng ý cho bất cứ ngành nào, đặc biệt là ngành Y tế, sử dụng biểu tượng CTĐ. Nhận thức được tầm quan trọng của biểu tượng CTĐ, các cấp Hội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền trong toàn thể cán bộ, hội viên, các tình nguyện viên CTĐ và người dân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng vi phạm biểu tượng CTĐ vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo ông Diện, CTĐ là biểu tượng nhận diện những giá trị nhân đạo và đã được thế giới khẳng định. Việc sử dụng sai kéo dài, thiếu chấn chỉnh đã làm mất đi giá trị nhân đạo trong sáng, bản chất tốt đẹp vốn có của biểu tượng. Có nhiều trường hợp lợi dụng biểu tượng CTĐ để giả mạo là người của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đi bán hàng từ thiện, quyên góp tiền từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Việc này đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và hoạt động của tổ chức Hội, dẫn đến hệ lụy là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ chân chính bị từ chối khi đi vận động.

Chữ thập đỏ là đại diện của lòng nhân ái, là biểu tượng của những hoạt động nhân đạo không tính phí. Để biểu tượng được sử dụng đúng mục đích, thiết nghĩ việc tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức, hiểu biết của cán bộ ngành Y tế, doanh nghiệp, người dân về bản chất, ý nghĩa của biểu tượng CTĐ là rất cần thiết. Đồng thời, cần sớm có chế tài cụ thể trong việc xử lý các hành vi vi phạm để biểu tượng CTĐ trên nền trắng ngày càng trở nên gần gũi, tin cậy đối với xã hội và người dân, đặc biệt là những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh…

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Hồ Chí Minh cho biết: Đối với tổ chức Hội Chữ thập đỏ các cấp cần tập huấn công tác Hội về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ đúng theo Luật Hoạt động Chữ thập đỏ quy định. Mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ là một “Tuyên truyền viên về bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ”. Đặc biệt, ông Tuấn mong muốn Luật Hoạt động Chữ thập đỏ được điều chỉnh rõ hơn nữa và sớm hoàn thiện bộ tài liệu về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ gửi tới Hội Chữ thập đỏ các cấp.

Theo ông Trần Văn Tuấn, để bảo vệ biểu tượng Chữ thập đỏ cần thường xuyên tập huấn về sử dụng biểu tượng; Thành lập tình nguyện viên truyền thông bảo vệ biểu tượng; Trung ương Hội có văn bản gửi cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để kiểm tra sử dụng biểu tượng đúng qui định pháp luật và công ước quốc tế; Đề nghị Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập huấn định kỳ trong và ngoài nước về kiến thức, kỹ năng truyền thông bảo vệ biểu tượng “Chữ thập đỏ”.

PV