Tại chung cư The Golden Palm: ‘Thích’ thu tiền nhưng không ‘thích’ chịu trách nhiệm (!?)

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Thu lợi từ việc trông giữ hàng trăm xe ô tô tại hầm chung cư The Golden Palm (ở đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng chủ đầu tư (CĐT), là Công ty cổ phần phát triển đầu tư Hà Nội Sunries (Cty HDIS), lại “không chịu trách nhiệm nếu xảy ra cháy nổ” (!?).

Chiều ngày 4/3, nhiều xe ô tô của cư dân bị chặn, không cho gửi xe xuống hầm, khiến con đường ngõ dẫn vào hầm để xe của tòa nhà bị chật kín, gây ách tắc giao thông.

Chị Kim Anh, một cư dân chung cư The Golden Palm, cho biết, xe ô tô chị không thể cho xuống hầm vì bị bảo vệ chặn lại với lý do làm theo ủy quyền của CĐT.

Theo chị Kim Anh, hợp đồng dịch vụ trông giữ xe ô tô mà CĐT, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà (là Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và sàn bất động sản Handico 6) đưa ra không rõ ràng và cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi của các bên, cụ thể là CĐT nói rõ “không chịu trách nhiệm về cháy nổ”.

received_257098048554226
received_1041355069398621
Việc chủ đầu tư chặn không cho cư dân xuống hầm đã gây ách tắc giao thông

Mặt khác, CĐT cũng không mua bảo hiểm cháy nổ cho xe ô tô dưới tầng hầm trong khi họ lại thu lợi từ việc trông giữ xe ô tô này.

Được biết, CĐT ban đầu chưa hề có sự trao đổi, thống nhất với cư dân nên đã đưa ra phí trông giữ xe ô tô là 1,8 triệu đồng/tháng. Nhưng do cư dân phản đối nên mức thu đó được hạ xuống còn 1,5 triệu đồng/tháng.

Chị Kim Anh chia sẻ thêm, cư dân chưa đóng tiền phí trông giữ xe ô tô không phải là vì mức giá 1,5 triệu đồng/tháng, mà là vì CĐT không mua bảo hiểm cháy nổ dưới tầng hầm, nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn thì người dân chịu thiệt thòi nhất.

Cũng liên quan đến vấn đề trông giữ xe ô tô, anh Đặng Huy Vũ, một cư dân tại chung cư The Golden Palm cho biết, khi mua nhà ở đây thì đơn vị phân phối quảng cáo tòa nhà có 3 tầng hầm thoải mái về chỗ để xe ô tô vậy nhưng thực tế có 400 căn hộ thì CĐT chỉ để có hơn 200 chỗ để xe. Thắc mắc về vấn đề này thì CĐT nói không đủ chỗ thì bốc thăm, nếu không trúng thì cư dân mang xe đi chỗ khác gửi.

Theo anh Vũ, CĐT chỉ cho cư dân gửi ở hầm B2 và B3, còn riêng hầm B1 thì CĐT giữ làm chỗ để xe thương mại.

received_2244732075562016
Đại diện chủ đầu tư làm việc với báo chí

Trao đổi với PV, đại diện của CĐT cho rằng, quy định trong hợp đồng trông dịch vụ trông giữ xe đầy đủ quyền và nghĩa vụ của hai bên, một bên cung cấp dịch vụ và một bên sử dụng dịch vụ. Việc CĐT chặn, không cho xe ô tô của cư dân vào là do chủ phương tiện chưa trả phí dịch vụ.

Theo đại diện CĐT, CĐT thu phí để cung cấp dịch vụ trông giữ xe chứ không “có phần” bảo hiểm cháy nổ cũng như chịu trách nhiệm khi xảy ra hỏa hoạn.

Về vấn đề này, luật sư Phạm Hồng Hải, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Công ty luật TNHH Quốc tế Danh Việt, cho biết: Từ ngày 15/4/2018, Nghị định số  23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc mua bảo hiểm cháy, nổ với các công trình nhà ở, dân sinh, trong đó bao gồm cả chung cư là mang tính bắt buộc và đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Trong trường hợp này, CĐT là chủ sở hữu phần diện tích đỗ xe ô tô thuộc tòa nhà thì phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

Tầng hầm đã được nghiệm thu PCCC?

Trao đổi với PV, đại diện CĐT chung cư The Golden Palm cho biết, tòa nhà đã được cơ quan chức năng nghiệm thu PCCC phần tháp (các căn hộ chung cư từ tầng 7 trở lên) từ trước khi bàn giao nhà cho cư dân và phần đế (từ tầng 1 đến tầng 6) từ tháng 12/2018.

Khi PV đề cập đến việc nghiệm thu các tầng hầm trông giữ xe thì đại diện CĐT lại chưa có câu trả lời rõ ràng và cũng chưa cung cấp tài liệu chứng minh việc đó.

Trong khi hầm trông giữ xe là nơi trông giữ hàng trăm xe ô tô, xe máy các loại, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Ông Hải cho biết thêm, bãi đỗ xe từ 200 xe ô tô trở lên là một trong những đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

“Theo như cư dân phản ánh, hiện hầm để xe tòa nhà có 208 chỗ đỗ xe đồng nghĩa với việc CĐT bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy, nổ theo quy định. Việc CĐT chưa mua bảo hiểm này là chưa đúng quy định của pháp luật và chưa làm tròn trách nhiệm với cư dân, khiến tài sản của cư dân đứng trước nhiều rủi ro”, ông Hải cho biết thêm.

received_379128295971985
Luật sư Phạm Hồng Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Công ty luật TNHH Quốc tế Danh Việt

Từ trước đến nay, cháy nổ ở các khu chung cư luôn là vấn đề “nóng”, được các cơ quan quản lý hết sức quan tâm, nhất là sau khi xảy ra hàng loạt vụ cháy chung cư lớn gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Việc CĐT chung cư The Golden Palm, với cương vị là chủ sở hữu phần diện tích đỗ xe ô tô, chưa mua bảo hiểm cháy nổ nhưng vẫn kinh doanh hoạt động trông giữ xe ô tô là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Tuấn - Vương Huy